Tội nghiệp Số 4

Lần này Joe cực kỳ lý luận khi bàn tới con số 4. “Số 4 đứng một mình ở trạm xe buýt, duyên cũ vừa qua, duyên mới chưa đến. Số 4 kẹt ở giữa…”. Hãy cùng đọc tiếp phần “luận” của Joe ở bài viết mới này nhé!

Bạn đang nói chuyện với một ông nước ngoài. Ông ấy nói câu bạn chưa hiểu.

 

“Sorry, what?”, bạn hỏi một cách lịch sự. Ông nước ngoài nói lại câu đó… nhưng bạn vẫn chưa hiểu.  “Pardon?” - bạn hỏi lần 2.   “Blà blà blà,” ông ấy lặp lại, bạn gần như không hiểu gì hết. “I’m sorry?”, bạn nhờ thêm lần nữa, “It’s a little loud in here” (Ở đây hơi ồn ào). “Blà blà blà”, ông ấy nói thêm lần nữa, nói rất to, giọng rất khỏe. 

 

Mà… bạn vẫn chưa hiểu!

 

Tôi đã rơi vào tình trạng như thế nhiều lần, nhưng “ông nước ngoài” với tôi có nghĩa là “một ông Việt Nam”. Đôi khi nói chuyện cùng các ông nhà văn, các bà doanh nhân (nói chung là những người có nhiều chuyện để nói) tôi bị lạc. Không theo được. Đọc quyển sách hoặc viết bài blog đơn giản hơn - tôi có thể tra từ điển hoặc tìm google, uống nước cam, viết tiếp, không có áp lực về thời gian. 

 

Nhất là khi nói chuyện tự nhiên về các chủ đề cao siêu thì khá căng thẳng. Chưa hiểu hết câu người ta vừa nói nhưng hiểu đủ để biết câu đó quan trọng. Thế là phải xin người ta nói lại, không có cách nào khác.

 

“Dạ xin lỗi?” (Người ta nói lại). Dạ cháu chưa nghe được ạ (Người ta nói lại). Dạ bác có thể nói lại giúp cháu được không? (Người ta nói lại). Tối đa là 3 lần xin. Người ta nói lại lần thứ 3 xong là bắt buộc phải hiểu, kể cả không hiểu vẫn phải “hiểu”. 

 

Ahhh!!! Cháu hiểu rồi ạ! Rồi rồi rồi! Bác nói tiếp đi ạ! (Hay chuyển chủ đề - Trời mát nhỉ? Hôm nay trời mát quá nhỉ, bác nhỉ, mát thế!).
 
Tội nghiệp Số 4 - 1


 

Tiếng Anh có khái niệm “Luật của 3” (Rule of threes). Ví dụ, các vở hài kịch thường đầy “trò sân khấu”, là câu thoại hay, hành động vui, là món quà nhỏ làm cho khán giả cười. Những trò ấy diễn viên chỉ có thể áp dụng 3 lần thôi. Lần thứ nhất khán giả cười. Lần thứ 2 khán giả cười to. Lần thứ 3 khán giả cười toe toét. Lần thứ 4 khán giả tự nhiên không thấy buồn cười nữa, cười xã giao cách diễn viên hài sợ nhất.

 

Tức lần thứ 3 quả cam vẫn còn nước. Lần thứ 4 quả bóp khô, vô duyên.

 

Tiếng Anh có nhiều câu liên quan: “Third time lucky”, “Third times the charm”, “Three strikes you’re out”. Kể cả chụp hình là “1,2,3 Cheese!” - tất cả đều nhắc cái duyên của Số 3. 

 

Tiếng Việt cũng thế: “Tam nhân đồng hành”, “Tam sao thất bổn”, “Tam thập nhi lập”... Hoặc đến muộn phải uống 3 ly rượu, không thể uống 2 (ít quá) cũng không thể uống 4 (phí quá).

 

Tội nghiệp Số 4. Số 1 thì ai cũng thích. Số 1 là Số 1. Số 2 là Hạnh phúc-Hạnh phúc rồi (mà đến với Số 2 vẫn có thể tiếp tục đến với Số 3). Số 5 là bạn thân của số 3, được thơm lây (Tam cương ngũ thường). 

 

Số 4 không phải bạn thân của ai. Tôi biết Số 4 nhận một số lời khen (“Rượu tam chè tứ”), nhưng có nhiều lúc Số 4 đứng một mình ở trạm xe buýt, duyên cũ vừa qua, duyên mới chưa đến. Số 4 kẹt ở giữa. Thậm chí ngày thứ 4 bị kẹt ở giữa tuần làm việc, là ngày buồn nhất. Theo người Hoa Số 4 là chết luôn, buồn hơn cả ngày thứ 4.

 

Bất công quá! Tôi lại muốn cảm ơn Số 4. Sự thật là Số 4 đóng vai trò quan trọng trong đời ta. Nếu không có Số 4 giáo viên dạy toán sẽ rất khó xử. Nếu không có 4 phương Bắc, Nam, Đông, Tây, người thám hiểm mất việc. Nếu không có xe 4 bánh công ty taxi phá sản. Nếu không có... thôi 3 ví dụ được rồi. 

 

Joe