Tôi làm người tàng hình

(Dân trí) - Đã từ lâu tôi phát hiện ra mình có khả năng tàng hình. Các bạn cứ nghĩ thế là thích quá chứ gì? Không hề! Phiền toái cực kỳ. Chung quy chỉ tại những thói quen vô bổ vớ vẩn tôi trót nhiễm sau suốt thời sinh viên 5 năm ở nước ngoài.

Tôi làm người tàng hình - 1
 
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Tôi rời Việt Nam năm 17 tuổi, tới 22 tuổi quay về thì mới phát hiện ra mình đã trở thành người tàng hình. Lần đầu tiên tôi khám phá chuyện này là khi đi làm cái bằng lái xe. May sao hôm đó vắng, tôi cầm tập hồ sơ, đứng huýt sáo chờ một bác đang nộp và làm thủ tục phía trước. Bác ấy vừa xong thì một chị từ phía sau lướt qua tôi, phi lên đặt oạch giấy tờ vào ô cửa, nói oang oang: “Anh ơi cho em nộp hồ sơ”. Tôi gãi đầu gãi tai, không hiểu gì, đứng chờ tiếp. Chị ấy xong, tôi vừa dợm bước lên thì lại từ đâu một anh khác phóng tới, chen vào ngay. Cứ như thế mấy lượt, tôi nghĩ mãi mà không hiểu sao, sau tôi chỉ còn cách giải thích: “À, chắc mình tàng hình, nên không ai nhìn thấy mình đang xếp hàng, nên xảy ra chuyện đó là phải rồi!”
 
Giả thuyết của tôi nhanh chóng được kiểm chứng. Lần lượt, hộ chiếu hết hạn, chứng minh thư bị mất, đi khám sức khỏe, nộp hồ sơ xin việc, đi công chứng, đi nộp thuế, đi mua vé, mua hàng siêu thị, vân vân và vân vân, việc gì cũng xảy ra y hệt, khiến tôi đoan chắc rằng mình thực sự là một người tàng hình. Và lần nào tôi cũng phải “vận hết công lực” để cho mình hiện nguyên hình, để trải qua được mọi việc một cách vất vả.
 
Nhưng không chỉ có những việc đó là phiền toái đâu nhé. Làm người tàng hình còn nhiều cái khổ nữa. Ví dụ như có hôm tôi mở cánh cửa kính bước vào một cửa hàng lớn. Theo thói quen, tôi quan sát phía sau thấy có một anh ăn mặc rất bảnh đang bước tới gần. Tôi liền lấy tay giữ cửa kính lại, thậm chí còn mỉm cười. Nhưng, anh ấy điềm nhiên bước thẳng vào, không hề giơ tay đỡ lấy cửa kính như tôi vốn đã quen, không thèm nhìn tôi tới nửa cái, chứ đừng nói tới mỉm cười hay cảm ơn. Lúc đó tôi mới sực nhớ rằng mình tàng hình. Vâng, tôi đã làm một người gác cửa tàng hình, phục vụ tận tụy cho vị khách may mắn nọ.
 
Ngoài ra thì những phiền toái nho nhỏ đối với một kẻ tàng hình là không đếm xuể. Đang đi bộ bị hắt nước vào người, vào mặt là chuyện cơm bữa. Rồi đang đi xe máy bị nước bọt, tàn thuốc lá, rác rưởi, bã kẹo cao su… từ bốn phương tám hướng văng vào người, vào mặt cũng là chuyện dính mãi thành quen. Người tàng hình khi đi bộ qua đường thì không bao giờ có chuyện xe cộ dừng lại nhường đường, mà họ cứ phóng vèo vèo luồn lách đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, đến phát khiếp vì đau tim. Vào thang máy rồi, nếu cửa đang đóng mà thấy ai đang vội vã bước tới phía ngoài, tôi bấm nút mở lại cửa cho họ vào, nhưng vì tôi tàng hình nên đối với họ, cửa tự mở một cách thần kỳ. Trót đứng ở chỗ nào vướng đường người khác, thay vì được nghe “cho tôi đi nhờ”, thì kẻ tàng hình như tôi cứ thế bị huých bật ra, hoặc nhẹ hơn là lấy tay gạt ra, để lấy chỗ cho họ đi. Ngồi quán ăn hoặc quán café, kẻ tàng hình dù không chịu được khói thuốc nhưng vẫn cứ bị phả khói mù mịt vào mặt vào mũi.
 
Ấy thế mà có lần ở bể bơi, tôi chẳng may lơ đễnh vào nhầm buồng tắm nữ,  mấy bà mấy chị ở trong đó lại vẫn hét ầm lên mới lạ chứ, khiến tôi phải xin lỗi rối rít! Vậy là sao nhỉ?
 
Tuấn Anh