Tờ tiền trong bao lì xì
(Dân trí) - Khi đời sống đi lên, có vẻ như tiền lẻ lì xì đang dần hết “mốt”. Bao lì xì nặng hơn với những tờ 200.000, 500.000 đồng. Thậm chí, có những người khi bỏ vào bao lì xì 50.000 đồng mừng tuổi trẻ còn thấy ngượng, dù chừng đó tiền đủ cho hai suất cơm bình dân.
Ngày mồng 6 âm lịch, dù kỳ nghỉ Tết đã qua nhưng vẫn còn một số người bà con họ hàng đến chơi. Con bé lại chầu chực để nhận tiền mừng tuổi. Tối qua, nó thống kê được gần 7 triệu.
Chị Hoa mặc dù đã bảo con đưa tiền lì xì cho mẹ giữ, nhưng con bé nhất quyết không chịu bị “mắc lừa” lần nữa. Thực ra, lì xì qua lại, số tiền con giữ cũng gần như bằng số tiền bố mẹ biếu cho người khác.
7 triệu đồng là số tiền không nhỏ, non nửa tháng thu nhập của chị Hoa ở công ty và nhiều người lớn làm công chức có khi cả tháng còn không kiếm nổi chừng đó. Thế nên, trong khi đứa con gái 8 tuổi đang say mê với kế hoạch… dùng cả 7 triệu đồng đó mua truyện tranh, mua váy vóc thì chị Hoa lộ vẻ bực dọc thấy rõ trước sự bướng bỉnh, chắc tính của con.
Gần chục ngày Tết vừa qua, chẳng phải mỗi nhà chị Hoa mà chuyện tiền lì xì mừng tuổi trở thành chủ đề của hầu hết các gia đình có con nhỏ.
Tôi từng chứng kiến không ít cháu nhỏ mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết lại rất vô tư sấn tới hỏi: “Bác ơi mừng tuổi cho cháu!” hay chép miệng “Ơ, sao mà ít thế!”… đại ý là những câu khiến người lớn muối mặt, chỉ muốn độn thổ ngay lập tức vì xấu hổ với khách.
Lì xì đầu năm là một tục lệ từ lâu. Tiền lì xì ít nhiều không quan trọng, chủ yếu là món quà tinh thần, như một biểu tượng tốt đẹp khiến người nhận tin rằng, tất cả những ngày còn lại trong năm đều may mắn và tài lộc.
Thế nhưng, có vẻ như người lớn chúng ta đã sai đâu đó trong cách giáo dục, hướng dẫn cho con trẻ về phong tục tốt đẹp này, khiến lì xì trong nhiều trường hợp mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Tôi có người bạn làm ngân hàng, than thở rằng năm nào cũng phải đau đầu với những lời nhờ vả đổi tiền lẻ, tiền mới cho người quen. Tiền lẻ, tiền mới cho cùng cũng chẳng phục vụ nhu cầu gì lớn vào dịp Tết, ngoài việc bỏ phong bao đi lì xì vòng quanh.
Mà mấy năm nay, khi đời sống đi lên, có vẻ như tiền lẻ lì xì cũng dần hết “mốt”. Bao lì xì nặng hơn với những tờ 200.000, 500.000 đồng. Thậm chí, có những người khi bỏ vào bao lì xì 50.000 đồng còn thấy ngượng, dù chừng đó tiền đủ cho hai suất cơm bình dân.
Cái nặng nề về vật chất đó khiến trẻ con tị nạnh lẫn nhau và nhiều người lớn còn nhìn vào “ruột lì xì” để so sánh, đánh giá. Nhiều cuộc lì xì vô hình chung trở thành một cuộc đấu giá cảm tình người nhận. Rất buồn cười!
Đâu đã hết. Tiền lì xì nhiều khi còn bị biến tướng, bởi mừng tuổi các cháu chỉ là cái cớ, nội dung chính là quan hệ, nhờ vả người lớn, nhất là khi chúc tết nhà quan chức, lãnh đạo.
Cho nên, khi lì xì dù ai cũng kèm theo nhiều lời chúc tốt đẹp, nào là mong trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi, nào là chúc trẻ khoẻ mạnh, thông minh… nhưng rốt cuộc, chính những bao lì xì lại có thể làm hư chúng, khiến trẻ chẳng những không khôn hơn mà còn chẳng ngoan hơn.
Trẻ con vốn ngây thơ và trong sáng, có quà là mừng vui tíu tít. Phần lớn trẻ con đều chưa biết tiêu tiền và cũng chưa biết làm ra tiền. Nên để trẻ ngoan và khôn lớn, thì việc hiểu giá trị đồng tiền, hiểu được những lao tâm khổ tứ, những mồ hôi nước mắt sức lao động trong mỗi tờ tiền là vô cùng quan trọng. Từ đó, trẻ biết cách tiêu tiền và tiết kiệm.
Năm mới, đừng để sức nặng vật chất trong những bao lì xì làm lệch lạc tâm hồn trẻ con. Hãy cứ để lì xì mãi là phong bao nhỏ mang tính biểu tượng cho may mắn như ý nghĩa vốn có của nó xưa nay!
Bích Diệp