Tiếng kêu thảng thốt: “Có ai đó không….!?”. Không. Hình như không có ai cả!!!

(Dân trí) - Và càng buồn, cũng lại như mọi lần, dù có hàng chục cơ quan được lập ra với chức năng bảo vệ trẻ thơ, mỗi năm chi không biết bao nhiêu tiền ngân sách thì trẻ thơ vẫn bị và sẽ bị bạo hành để rồi báo chí, dư luận và trẻ thơ lại tiếp tục vang lên lời khẩn cầu: Có ai đó không…! Không. Hình như không có ai cả!

Tiếng kêu thảng thốt: “Có ai đó không….!?”. Không. Hình như không có ai cả!!! - 1

Vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn mình 230 cái và tự tay tát một cái vào mặt học trò đang gây nên sự bức xúc, tức giận của cộng đồng. Sự bức xúc, tức giận này là chính đáng bởi hãy đặt địa vị nếu đó là con, là cháu, là em mình mà bị hành xử như vậy? Điều gì đã đưa đẩy họ phải sử dụng hình phạt để rồi chuốc họa vào thân?

Tuy nhiên, có lẽ trước hết cũng xin nói đôi chút về nghề nhà giáo hiện nay và cũng xin đặt mình vào vị thế của các thầy, các cô đang ngày đêm lăn lộn cho nghề này để thấu hiểu, sẻ chia và thông cảm với cái nghề nhiều áp lực này.

Có lẽ chưa có thời điểm nào, nghề “trồng người cao quí” lại chịu nhiều “xót xa”, “buồn tủi” và cả “cay đắng” như bây giờ. Thu nhập thấp, việc làm khó khăn, công việc luôn tứ bề áp lực từ phía quản lý giáo dục, thành tích (dù thật hay ảo), học sinh, phụ huynh và cả dư luận xã hội.

Một hành động, một việc làm, thậm chí một câu nói, một cử chỉ sơ ý là có thể tạo nên một “cơn địa chấn” với rất nhiều lời “gạch đá” từ dư luận.

Ngay cả cái nguyện ước chính đáng “giáo viên sống bằng lương” từ thời điểm năm 2010 đến nay đã qua đi 8 năm, song điều đơn giản đó vẫn chưa xảy ra và cũng chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực.

Có lẽ vì thế mà sinh viên thi vào các trường sư phạm ngày càng giảm và thậm chí, đã xảy ra tình trạng “vơ bèo, vạt tép”, chỉ cần 3-4 điểm/môn cũng trúng tuyển. Nói cách khác, nếu “mầu mỡ”, thiên hạ đã đua nhau...

Tuy nhiên nhìn nhận lại, có lẽ cũng chưa bao giờ hình ảnh người thầy sa sút như hiện nay mà một trong số các lý do là bởi chính một số thầy, cô và nhà quản lý giáo dục gây nên.

Đã từng có một hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang. Từng có cô giáo bắt học sinh uống nước vắt ra từ giẻ lau ở Hải Phòng… và gần đây nhất là vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) với vụ 231 cái tát.

Hiện, cô Thủy đã bị đình chỉ giảng dạy và tất nhiên, với những gì đã gây ra, cô này phải chịu mọi trách nhiệm.

Đây là tổn thất rất lớn không chỉ với học sinh bị tát, các học sinh phải tát bạn mình mà cao hơn, như GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, một người từng có 60 gắn bó với sự nghiệp giáo dục viết trên trang Facebook cá nhân: “231 cái tát vào mặt một học sinh, về thực chất là ngành giáo dục lĩnh đủ toàn bộ những cái tát đó”.

Đau xót nữa, đây có lẽ không phải là “cái tát cuối cùng” nếu như không có biện pháp ngăn chặn triệt để “nền giáo dục đòn roi, đe nẹt”.

Và càng buồn, cũng lại như mọi lần, dù có hàng chục cơ quan được lập ra với chức năng bảo vệ trẻ thơ, mỗi năm chi không biết bao nhiêu tiền ngân sách thì trẻ thơ vẫn bị và sẽ bị bạo hành để rồi báo chí, dư luận và trẻ thơ lại tiếp tục vang lên lời khẩn cầu:

Có ai đó không…! Không. Hình như không có ai cả!

Bùi Hoàng Tám