Tiền thuế của mình đâu?
(Dân trí) - Nhiều lúc mình hay lẩn thẩn, đọc báo nghe đài thấy chỗ này thất thoát khoản này, chỗ kia bị rút ruột khoản nọ, là lại ngồi lẩm nhẩm "ôi thôi xong, thế là khoản thuế tháng trước mình vừa đóng "để gió cuốn đi" rồi!".
Mình dốt toán, mà so với cái tiền thuế còm cõi trích từ thu nhập con con của mình hàng tháng thì cái khoản kia nó lại khổng lồ tới mức... mơ hồ, nên mình chịu chả tính được là tương đương với bao nhiêu tháng thuế của mình (chắc cỡ vài nghìn tháng, tương đương với vài trăm năm chứ mấy). Nhưng thôi, cứ coi như mình lao động đóng thuế cả đời để gom góp được cái số lẻ của khoản đấy đi, 2 tỷ đi. Ơ, thế là nó bốc hơi thật à? Mình đóng thuế cả đời mà chẳng giúp được gì cho đời à?
Lại nhớ có lần sang Úc, lạ nước lạ cái, mình mua vé xe điện rồi nhưng không biết là lên xe phải nhét vé vào máy để nó trừ tiền. Điềm nhiên ngồi xuống ghế thì bà hành khách bên cạnh nhắc: "Cậu cho vé vào máy đi. Nếu cậu không làm thì thành ra đi xe điện "chùa", thế là những người đóng thuế như tôi sẽ phải nai lưng ra trả cho cậu". Mình vội vàng làm ngay và phân trần rằng mới sang không biết, thì bà ấy mới dịu giọng bảo xin lỗi, tưởng cậu là sinh viên học ở đây lâu năm rồi cố tình trốn vé.
Nếu lúc đấy bà khách không nhắc, thì coi như bà phải bỏ khoảng 2 đô Úc gì đó tiền thuế ra trả cho mình, trong khi hẳn là bà không muốn 2 đô của bà bị tiêu cho một thằng trốn vé, mà muốn nó được dùng vào việc làm đường sá hay xây trường học, bệnh viện.
Quay trở lại chuyện nước mình. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu giăng khắp nơi: "Nộp thuế là quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi công dân". Nghĩa vụ thì đương nhiên rồi, nhưng cái từ "quyền lợi", đôi khi vẫn bị một số bà con lôi ra chỉ trỏ, làm trò cười với nhau. Một phần là do một số người chưa hiểu rõ những quyền lợi từ thuế mà ra. Phần khác, là do những lợi ích đó, đôi khi vẫn còn quá mơ hồ.
Ngay giữa Hà Nội mà người dân đóng thuế năm này qua năm khác, vẫn chưa thấy "con đường đau khổ" Đại Từ được sửa chữa, phải đợi báo chí "gào" lên mới có chuyển biến. Ở vài nơi khác, tiền thuế ở đâu mà không dùng để xây cầu, để người dân phải đu dây hoặc trèo cầu khỉ, rồi xã hội lại tự góp tiền làm cầu? Trong ngành khoa học, tiền thuế để chi cho các đề tài nghiên cứu, nhưng nghiên cứu xong thì... cất vào tủ, những người bỏ tiền (người đóng thuế) chẳng được biết kết quả ra sao, mang lại lợi ích gì cho xã hội... Trong ngành điện ảnh, nhiều người dân đóng thuế bình thường còn chưa được biết năm nay nước nhà làm được phim gì hay, thì đã thấy 42 tỷ đồng tiền thuế... biến mất.
Liệt kê ra thì còn nhiều, nhiều lắm. Vẫn biết nước ta còn nghèo, dân chưa mạnh, tiền thuế còn thiếu, không đủ để chi dùng cho hết mọi việc, nên có những việc phải huy động các nguồn lực xã hội khác. Nhưng tiền thuế mới ít như thế, mà đã bị "xà xẻo", hụt chỗ nọ, thoát chỗ kia, thì làm sao mỗi người đóng thuế không khỏi đau lòng, xót ruột? Với mỗi người dân, một trăm ngàn đồng mỗi tháng đã là mồ hôi xương máu, nhưng hình như khi góp vào "nồi cơm chung" của thuế, thì hàng tỷ, hàng tỷ đồng nó biến thành "tiền Nhà nước", thành "cha chung không ai khóc", nên một số cá nhân nghĩ rằng, mình có rút bớt "chút ít" cũng chẳng làm sao?
Đã đến lúc mỗi cá nhân cần tự ý thức, và được tạo điều kiện để ý thức rõ quyền lợi của mình trong việc nộp thuế ra sao, tiền thuế của mình được dùng để làm gì, mang lại lợi ích gì cho mình, gia đình, cộng đồng xung quanh, và toàn xã hội. Và nghĩa vụ của mỗi cá nhân khi đó cũng không phải chỉ có nộp thuế là xong, mà còn có trách nhiệm góp phần bảo vệ từng đồng tiền thuế được chi tiêu đúng chỗ, như trách nhiệm của bà hành khách nọ đối với 2 đô la của mình.
Tiền thuế thiếu thì thiếu thật, nhưng 42 tỷ đồng tiền thuế kia, nếu mang về các vùng sâu vùng xa, thì sẽ xây được bao nhiêu cái cầu, bao nhiêu trường học, bao nhiêu bệnh viện?
Tuấn Anh