1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Những bi kịch đằng sau con số 42 tỷ

(Dân trí) - 42 tỷ thất thoát đã khiến giới làm phim “choáng váng”. Họ không ngờ, nền điện ảnh xưa nay vốn rất eo hẹp như thế lại có đến 42 tỷ đồng để... thất thoát.

1.

Điện ảnh Việt Nam đã từng được ví như một đứa trẻ được nuông chiều, bao bọc. Vào thời điểm ấy, mỗi năm ngân sách nhà nước đều rót tiền (dù không quá nhiều) để nuôi dưỡng, chăm bẵm cho các hãng phim. Từ cơ chế “nuông chiều”, hàng loạt những bộ phim đã xuất xưởng, trong đó phần lớn chỉ để… cất kho. Với ngân sách được chi, các hãng phim nhà nước mải mê đầu tư sản xuất phim với mục đích chào mừng những ngày lễ trong năm, chiếu hết mấy ngày lễ là phim vào kho, nằm đợi mốc. Các hãng phim không phải lo nghĩ đến doanh thu, lợi nhuận. Chính vì thế, khi Nhà nước ngừng rót vốn, bi kịch của những hãng phim nhà nước đã bắt đầu.

10 năm nay, kể từ khi tiến hành cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam “dặt dẹo” tồn tại ở số 4 Thụy Khuê. Nhiều người cảm thấy xót xa khi nhìn cảnh hãng phim tiêu điều, xập xệ. Người ta tiếc nhớ quá khứ huy hoàng của hãng phim, tiếc nhớ chiếc nôi đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nơi đã cho ra đời những tên tuổi lớn. Từ hãng phim truyện Việt Nam đã có Chung một dòng sông, Con chim Vành Khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Làng Vũ Đại ngày ấy, Vợ chồng A phủ…
 
Những bi kịch đằng sau con số 42 tỷ - 1
Một cảnh trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Từ năm 2001, giữa tình cảnh kiệt quệ ngân sách, hãng phim truyện Việt Nam đã cố gắng vẫy vùng chuyển đổi, bao đời Giám đốc lên rồi xuống, từ ông Nguyễn Nam, đạo diễn Lê Đức Tiến đến đạo diễn Vương Đức… Hãng phim ngày càng yên ắng hơn. Hai năm nay, hãng phim truyện Việt Nam không có bộ phim nào ra mắt, lý do đơn giản là, không có tiền sản xuất.

Cùng với hãng phim truyện Việt Nam, hãng phim truyện I cũng từng rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở” khi bước sang cổ phần hóa. Giữ chức Giám đốc hãng phim truyện I khi ấy là đạo diễn Tất Bình, để bám trụ được, ông đã không ngại chạy vạy, xin xỏ tiền khắp nơi để đảm bảo cuộc sống cho anh em nghệ sỹ, và có tiền để sản xuất phim. Nhìn cảnh đạo diễn Tất Bình chạy ngược chạy xuôi xin tiền có người đã nói, “nhìn anh chẳng khác một con buôn”, Tất Bình cười, “Tôi phải là con buôn để có tiền mà làm phim chứ, chẳng lẽ ngồi đợi chết đói?”.

2.

Khi những hãng phim nhà nước “vật vã” tồn tại, phim tư nhân lên ngôi với dòng phim giải trí tung hoành khắp các rạp chiếu phim. Tiêu chí làm phim của những người kinh doanh rất rõ ràng, họ làm phim chỉ để kiếm tiền. Lợi nhuận là trên hết.

Về cách làm phim của các nhà sản xuất tư nhân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải có nói “Khi nhà sản xuất đặt lợi nhuận lên hàng đầu, họ yêu cầu các đạo diễn phải quay trong thời gian nhanh nhất có thể để tiết kiệm chi phí. Nhà sản xuất còn yêu cầu đạo diễn làm việc với “chân dài” A, “chân dài” B… Nếu vai diễn, diễn viên cũng được nhà sản xuất sắp đặt trước, đạo diễn còn lại quyền lực gì cho quá trình sáng tạo của mình? Vì thế, tôi nghĩ, đã đến lúc, các đạo diễn cần phải học cách từ chối những kịch bản ngớ ngẩn, từ chối những diễn viên ngớ ngẩn..”.
 
Những bi kịch đằng sau con số 42 tỷ - 2
Dung mạo của những bộ phim giải trí "thảm họa".

Bước chân đến rạp chiếu phim có thể nhận thấy ngay, phim giải trí chính là gương mặt đại diện của điện ảnh VN hiện tại. Ngay đến một người làm phim tư nhân, phim giải trí như Charlie Nguyễn- cũng chia sẻ “Tôi làm phim, điều đầu tiên tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền nhà sản xuất đã bỏ ra. Nếu bây giờ tôi mang một kịch bản đến trước nhà sản xuất và nói, đây là tâm huyết của tôi, đây là một bộ phim giàu tính nghệ thuật- sẽ chẳng ai quan tâm! Điều mà tôi phải đảm bảo với họ chỉ là, phim sẽ bán được vé..!”.

Vì thế, những bộ phim giải trí “nhợt nhạt” vẫn ra rạp. Năm 2011, khán giả đã xem gì về điện ảnh Việt Nam? Họ xem Sài Gòn Yo, Giữa hai thế giới, Long Ruồi…. 3 bộ phim giải trí, và đều giải trí mang phong cách phim Mỹ.

3.

Nhìn dòng phim giải trí hưng thịnh lại thấy hết sự thảm thương của phim nghệ thuật.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang có một bộ phim nghệ thuật ấp ủ nhiều năm nay. Sau khi có được kịch bản, chị phải trình lên hãng phim truyện Việt Nam đợi duyệt. Muốn có tiền sản xuất phim, hãng phim truyện Việt Nam sẽ gửi kịch bản của Nhuệ Giang lên Cục Điện ảnh, Cục xem kịch bản- nếu đồng ý cho sản xuất, Cục sẽ xem xét duyệt chi 70% theo đúng quy định để Nhuệ Giang có tiền làm phim.
 
Những bi kịch đằng sau con số 42 tỷ - 3
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chưa biết phải làm gì với kế hoạch phát hành của bộ phim Tâm hồn mẹ.

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng bộ phim Tâm hồn mẹ cũng được duyệt. Nhưng với hơn 1 tỷ đồng xin được chỉ chi cho công việc đi tìm bối cảnh phim và casting diễn viên đã tốn đến phân nửa. Nhuệ Giang lại gửi kịch bản đến những tổ chức phim quốc tế, cũng chạy vạy nhiều nơi với hy vọng sẽ có thêm tiền làm phim. May mắn cho chị, một tổ chức của Pháp đã đồng ý tài trợ cho phim của chị thêm 2,7 tỷ đồng sản xuất và hứa sẽ hỗ trợ thêm trong khâu hậu kỳ. Nhuệ Giang chia sẻ: “Hằng trăm kịch bản đã gửi đến, vậy mà kịch bản của tôi đã nhận được tài trợ. Tôi thấy mình may mắn, và hạnh phúc”.

Phạm Nhuệ Giang đã cho bấm máy Tâm hồn mẹ sau 10 năm thai nghén, xét duyệt, xin tiền, và chờ đợi. Nhưng, khi Tâm hồn mẹ hoàn tất, lại thêm một nỗi buồn lớn hơn cả nỗi buồn đợi xét duyệt và xin tiền, Nhuệ Giang nói gần như cay đắng, “Rất có thể, sẽ không có nhà phát hành nào đứng ra phát hành phim của tôi, vì chiếu phim nghệ thuật ở thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại là một sự mạo hiểm!”.

 
4.
Những bi kịch đằng sau con số 42 tỷ - 4
Cục trưởng và Cục phó Cục Điện ảnh đã nộp đơn xin từ chức sau vụ thất thoát 42 tỷ.
 
 
Đã và đang có rất nhiều đạo diễn bất lực đứng nhìn kịch bản của mình nằm mãi trên giấy trắng vì không xin được tiền sản xuất. Đã có bao đạo diễn phải mang kịch bản đến các doanh nghiệp để xin từng triệu về làm phim. Đã có rất nhiều những dự án phim bị đình trệ vì thiếu tiền. Bộ phim Trung úy (đạo diễn Hà Sơn) dừng đi, dừng lại không biết bao nhiêu lần vì cứ đang quay lại hết tiền. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi được mời làm phim Mùi cỏ cháy (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) đã từ chối vì không thể sản xuất với kinh phí quá thấp.

Vì thế, con số 42 tỷ đồng thực sự khiến giới làm phim “bàng hoàng”. Họ không ngờ, một nền điện ảnh vốn nổi tiếng nghèo khổ, thiếu thốn như thế lại có đến 42 tỷ đồng để thất thoát.

 
Hiền Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm