Tiền có là nước mưa đâu để "trên trời rơi xuống"?
(Dân trí) - Bỏ tiền tỷ, vay nặng lãi đầu tư Coolcat: Người chơi "chết đứng" khi sàn sập; "Giật đơn" ảo nhưng mất tiền thật: Người chơi "vỡ trận" với ứng dụng PCHome…
Đây là những tiêu đề tràn ngập trên báo chí trong những ngày gần đây về tình trạng nhà đầu tư "sập bẫy" khi đổ tiền vào các dự án "siêu lợi nhuận", hưởng hoa hồng cao ngất ngưởng. Tiền đầu tư là "tiền tươi, thóc thật", là tiền mồ hôi nước mắt, và có khi còn là tiền đi vay nặng lãi… Rồi người này rủ người kia gia nhập hội. Cơn say tiền chưa hết thì bỗng một ngày, app bốc hơi, người đại diện sàn giao dịch cũng biến mất.
Nhiều nhóm đầu tư với thiệt hại hàng tỷ đồng đang làm đơn tố cáo trình lên cơ quan chức năng với mong mỏi đòi lại được tiền. Nhưng có bao nhiêu khả năng là đòi được?!
Một người bạn của tôi làm trong ngành tài chính nói rằng, đầu tư vào những app "kiếm tiền online" kiểu này chẳng khác gì đổ tiền vào đa cấp biến tướng.
Những khái niệm như "giật đơn ảo", rồi "bảo hiểm đầu tư", hay "đầu tư forex", "đầu tư chứng khoán quốc tế"… nhiều cái tên rất mới, rất mỹ miều, cách thức kiếm tiền cũng phong phú nhưng bản chất thì không đổi, vẫn "bổn cũ soạn lại": Đánh vào lòng tham của nhà đầu tư với hứa hẹn thu nhập cao, hoa hồng lớn.
Sự kiện quảng bá được tổ chức rình rang tại những khách sạn 5 sao nhưng địa chỉ văn phòng thì lại… ảo. Chỉ tích tắc, trang web, ứng dụng "bốc hơi không dấu vết", nhà đầu tư mất tiền không biết kêu ai.
Cách đây hơn chục năm, tôi từng chứng kiến có những giảng viên đại học bỏ cả việc để tham gia các mạng lưới kinh doanh đa cấp với mong muốn đổi đời, thoát cái cảnh sống bằng lương "ba cọc, ba đồng".
Bẵng đi ít lâu, tôi còn được cả những em sinh viên năm 2, năm 3 tìm đến, thuyết phục đầu tư tài chính. "Phải nghĩ khác đi, làm khác đi, nghĩ lớn, làm lớn. Phải thay đổi cuộc đời, đi con đường mà người khác chưa đi mới gặt hái được thành công". Luôn luôn là những khẩu hiệu (slogan) rất "kêu", giàu triết lý.
Trong thần thoại Hy Lạp tồn tại một con quái vật Hydra với rất nhiều đầu, hễ nó bị chém đứt một đầu thì từ chỗ bị đứt sẽ lập tức mọc ra hai đầu mới. Các loại hình kinh doanh đa cấp cũng vậy. Chỗ này chưa kịp dẹp bỏ thì chỗ khác đã mọc ra hướng kiếm tiền mới, tinh vi hơn, "cao cấp" hơn.
Tôi không nói mọi kênh đa cấp đều đáng lên án, nhưng hãy cứ nhìn xem có biết bao vụ đa cấp lừa đảo bị tố cáo, bị cơ quan chức năng "sờ gáy", thậm chí là có vụ "dính" đến hàng chục nghìn người như đa cấp Liên Kết Việt.
Vậy mà không hiểu với hấp lực nào, mỗi khi có một dự án đa cấp mới được triển khai lại cuốn theo không biết bao nhiêu người lao vào như thiêu thân, bất chấp cảnh báo của báo chí, của cơ quan chức năng, bất chấp những bài học hiển hiện rõ như ban ngày!
Tôi trân trọng tư duy đầu tư vào tài sản hơn là chỉ chú trọng vào tiêu sản. Dòng tiền cần quay vòng và thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư mới chỉ nghe thấy lợi nhuận "siêu khủng", "siêu khổng lồ" đã xuống tiền không đắn đo, vì tiền đầu tư đó thực sự không phục vụ sản xuất kinh doanh, không mang lại giá trị cho nền kinh tế mà bản chất là lừa gạt lẫn nhau.
Nếu kiếm tiền một cách dễ dàng như thế thì vì sao các chủ doanh nghiệp vẫn phải vật lộn kinh doanh, đối mặt với lỗ-lãi, rủi ro thương trường? Có phải họ kém thông minh hơn, kém thức thời, hay họ không nghĩ lớn?!
Làm gì có chuyện ngồi không mà vẫn có thật nhiều tiền? Thứ tự nhiên trên trời rơi xuống, hẳn chỉ có nước mưa mà thôi!