Tiền bạc, vật chất trong mắt một nhà khoa học nổi tiếng
(Dân trí) - “Có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Không nên để các nhà khoa học “vô vi” với vật chất và các nhà khoa học cũng không nên “vô vi” với công trình khoa học, phải không các bạn?
Trước hết, xin giới thiệu đôi nét về nhà khoa học nổi tiếng, GS Trần Thanh Vân. GS Vân sinh năm 1935 tại Quảng Bình. Năm 16 tuổi, ông đến Pháp du học và sau đó, trở thành một trong những nhà Vật lý hàng đầu trong lĩnh vực lý thuyết nguyên tử. Năm 2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội vật lý Mỹ.
Song, ông còn nổi tiếng hơn và được rất nhiều nhà khoa học trân quý bởi sự chân thành, yêu mến bạn bè và là cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam với thế giới. Nhiều năm qua, ông đã cùng với người bạn tri kỉ, tâm giao của mình là GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đứng ra mời các nhà khoa học hàng đầu, nhiều người đã từng đoạt Giải Nobel về giao lưu, gặp gỡ với các nhà khoa học Việt Nam.
Người viết bài này may mắn đã đôi lần gặp ông, luôn thấy ở ông sự giản dị, gần như “vô vi” nên nhiều khi tự hỏi: Ông quan niệm như thế nào đối với tiền bạc, vật chất nhỉ?
Rất may mới đây, bài viết của Nhà báo Lệ Thu trên Dân trí đã một phần giải đáp câu hỏi này và giật mình nhận thấy, ông rất rõ ràng, thấu hiểu và chia sẻ. Về sự rõ ràng, ông nói: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”. Thực ra, câu này không mới. Cổ nhân đã dạy: “Có thực mới vực được đạo”.
Thi sĩ Xuân Diệu thì “văn vẻ” hơn: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Rõ ràng thế nên ông rất thấu hiểu và chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam: “Điều tôi mong mỏi nhất ở Việt Nam chính là tất cả hệ thống đặt niềm tin, động lực phát triển vào con người, vào nhân lực. Nhưng quan trọng là phải làm sao cho nhân lực của mình đủ sống chứ không phải lay lắt, chật vật chạy thêm nghề phụ”.
Ông còn cho biết thế giới của các nhà khoa học là một thế giới khác, thế giới của niềm đam mê: “Chúng ta phải biết, các nhà khoa học sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới chúng ta sống bây giờ. Họ không đòi hỏi gì nhiều cả, họ chỉ muốn để tất cả tâm hồn của họ đi vào một hướng. Đừng bắt nhà khoa học tự túc, nhà khoa học sống trong thế giới đam mê thì khó đi tìm tiền chỗ khác được.
Điều quan trọng là chúng ta không thể để nhà khoa học giống như một người công chức bất kỳ ở Việt Nam. Nhà khoa học cần có lương bổng đủ sống. Họ không cần trăm triệu đồng, trăm triệu đô la mà chỉ cần đầy đủ vừa vặn để sống. Nếu không có điều ấy thì nền khoa học chúng ta không bao giờ tốt lên được”.
Đọc những lời trên, không chỉ thấy sự sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông mà còn nhận được những lời cảnh tỉnh.
Những nhà khoa học chân chính phải là những người “không đòi hỏi gì nhiều cả” và “không cần trăm triệu đồng, trăm triệu đô la mà chỉ cần đầy đủ vừa vặn để sống”.
Những điều ông nói hình như còn mang thông điệp nên nhìn từ hai phía: Cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các nhà khoa học và ngược lại, các nhà khoa học cũng nên có thái độ “vô vi” với vật chất, “không cần trăm triệu đồng, trăm triệu đô la”.
Song tiếc thay ở ta hiện nay, không ít những người làm công tác khoa học “lay lắt, chật vật chạy thêm nghề phụ” và cũng không ít những ông này, bà nọ không chỉ “đòi hỏi nhiều” mà đòi hỏi… rất nhiều. Họ không chỉ mong trăm triệu VND mà mong có trăm triệu, cả tỉ USD. Không chỉ đam mê mà rất đam mê kiếm tiền, đam mê dự án.
Người xưa có câu: “Thần nào hưởng của ấy”. Mong rằng tất cả các nhà khoa học Việt Nam không còn phải chật vật nỗi lo cơm áo, “tất cả tâm hồn đi vào một hướng” và ngược lại, họ cũng đừng tự biến mình thành những viên chức “săn công trình”, “mò dự án” và trong các ngăn tủ, không còn những công trình “trên trời” nằm ngủ yên trên giá sách.
“Có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Không nên để các nhà khoa học “vô vi” với vật chất và các nhà khoa học cũng không nên “vô vi” với công trình khoa học, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám