GS Trần Thanh Vân: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”

(Dân trí) - “Điều tôi mong mỏi nhất ở Việt Nam chính là tất cả hệ thống đặt niềm tin, động lực phát triển vào con người, vào nhân lực. Nhưng quan trọng là phải làm sao cho nhân lực của mình đủ sống chứ không phải lay lắt, chật vật chạy thêm nghề phụ”, GS Trần Thanh Vân trăn trở.

Trở về quê hương để tổ chức lễ trao học bổng Vallet ươm mầm tài năng giới trẻ Việt, GS Vật lý người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Lý thuyết Vật lý gửi gắm nhiều chia sẻ, đóng góp về việc bồi dưỡng phát triển nhân tài, kiến thiết đất nước.

Theo ông, với bất kỳ ngành nghề nào, muốn có nhân lực tốt thì phải có cơ chế để đảm bảo cuộc sống của họ. Lấy ví dụ điển hình là nhà khoa học trong ngành nghiên cứu hay giáo viên trong ngành Sư phạm… Ông cho rằng, nền khoa học Việt Nam khó phát triển khi lương nhà khoa học kém lương của một thư ký làm ở một doanh nghiệp bất kỳ.

“Tôi thấy số đông nhà khoa học Việt phải đi dạy thêm, làm thêm”

“Nhiều người thử đặt mối tương quan giữa việc Việt Nam có rất nhiều học sinh giỏi ở các môn Khoa học tự nhiên tại các kỳ thi quốc tế và Khoa học cơ bản của nước ta chưa phát triển thì thấy hiện nay tương quan này chưa thuận chiều. GS quan điểm thế nào về vấn đề này?”, PV Dân trí đặt câu hỏi.

Trầm ngâm suy nghĩ, GS Trần Thanh Vân khẳng định, chúng ta có một lớp trẻ tài năng, những hạt giống rất tốt để ươm mầm nhân tài. Nếu có đam mê và đi vào con đường nghiên cứu khoa học thì thật đáng quý. Song để khoa học cơ bản nước nhà phát triển thì vướng nhiều yếu tố.

Vị giáo sư đầu ngành Vật lý phân tích: “Chúng ta phải biết, các nhà khoa học sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới chúng ta sống bây giờ. Họ không đòi hỏi gì nhiều cả, họ chỉ muốn để tất cả tâm hồn của họ đi vào một hướng.

Nhưng cơ chế ở Việt Nam, lương bổng của một nhà khoa học rất ít. Thậm chí, nó kém hơn một thư ký của một công ty bất kỳ”, ông trăn trở.

“Đừng bắt nhà khoa học tự túc, nhà khoa học sống trong thế giới ham mê thì khó đi tìm tiền chỗ khác được”, GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh.
“Đừng bắt nhà khoa học tự túc, nhà khoa học sống trong thế giới ham mê thì khó đi tìm tiền chỗ khác được”, GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh.

Theo GS Trần Thanh Vân, đa số nhà khoa học Việt phải đi dạy thêm, làm thêm, kiếm thêm việc này việc khác để trang trải cuộc sống. Và khi đã có công việc ở ngoài thì tâm trí họ đã không còn được tập trung nữa. Họ cũng không thể nào quên hết tất cả mọi chuyện và chỉ nhắm vào một mục tiêu khoa học nữa.

“Điều quan trọng là chúng ta không thể để nhà khoa học giống như một người công chức bất kỳ ở Việt Nam. Nhà khoa học cần có lương bổng đủ sống. Họ không cần trăm triệu đồng, trăm triệu đô la mà chỉ cần đầy đủ vừa vặn để sống. Nếu không có điều ấy thì nền khoa học chúng ta không bao giờ tốt lên được”, ông khẳng định.

Cũng theo GS Vân, điều kiện cơ sở vật chất của nước ta có thể thua kém các nước tiên tiến nhưng đó cũng phải không là cản trở quá lớn. Bởi lẽ, ông cho rằng “sự phát triển căn bản nằm ở người lãnh đạo và nhân lực”. Cơ sở vật chất không quan trọng bằng chất lực. Nếu không có nhân lực tốt thì cơ sở vật chất cũng không giải quyết được vấn đề. Ở Việt Nam nhiều nơi có cơ sở vật chất cho nghiên cứu nhưng lại để… nằm không.

Điều vị giáo sư gốc Việt mong mỏi nhất chính là quê hương có cơ chế tập trung vào con người, phát triển nhân lực. Ông quan niệm, chỉ có nhân lực mới phát triển kinh tế kiến thiết đất nước được nhưng với điều kiện, phải làm sao để nhân lực đủ sống với chính ngành nghề họ theo đuổi. Điều đó không chỉ đúng đối với ngành nghiên cứu mà với cả ngành Sư phạm - then chốt của giáo dục nước nhà.

“Chúng ta đừng bắt nhà khoa học tự túc, nhà khoa học sống trong thế giới ham mê thì khó đi tìm tiền chỗ khác được”, GS Vân nhắc lại.

Nên duy trì các lớp cử nhân tài năng

Không chỉ trăn trở với khoa học, nhà Vật lý danh tiếng dành rất nhiều mong mỏi và kỳ vọng ươm mầm bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt.

Theo đánh giá của GS Vân, Nhà nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng rất cần có chính sách bồi dưỡng các em học sinh ưu tú.

Trao đổi với Dân trí, GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh, chúng ta nên duy trì hệ thống trường chuyên để tạo cơ hội cho các em học sinh ưu tú, học sinh đặc biệt có sức mạnh bước đà để tiến tới thành công nhanh hơn.

“Trường chuyên là hệ thống hết sức tốt và hiệu quả. Tôi cũng nghe nước nhà năm ngoái xôn xao bàn đến chuyện bỏ trường chuyên - lớp chọn để mọi người đều giống nhau. Tôi nghĩ, chúng ta không thể đặt mọi học sinh trên vị trí giống nhau”, GS Vân bày tỏ.

Trước đây, Việt Nam có các lớp cử nhân tài năng và đã đem lại những thành tựu rất tốt. Tuy nhiên, được một thời gian chúng ta lại bỏ qua hình thức này vì mải chạy theo các dự án 5 - 10 năm. Sau 10 năm thì dù tốt đi nữa nhưng vẫn bị bỏ mất để làm dự án mới.

"Việc bỏ hoàn toàn các lớp cử nhân tài năng là điều mà các thế hệ lãnh đạo gần đây cũng đã nhận ra điều ấy là không tốt. Theo tôi, chúng ta cần làm những gì mang tính bền vững, lâu dài chứ không phải ngày hôm nay làm cái này rồi 5 năm sau, ông bộ trưởng khác lên bỏ hoàn toàn cái cũ”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.

Sinh viên Sư phạm nói riêng và giới trẻ Việt cần năng động hơn nữa

Nói về thực trạng số đông trường Sư phạm ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh do khi ra trường nhiều sinh viên thất nghiệp, GS Vân cho rằng thế hệ trẻ cần phải đam mê, năng động hơn nữa.

“Khi các em có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết nhưng cũng cần phải năng động. Số cơ sở giáo dục tìm kiếm người giỏi để vào dạy cũng rất nhiều chứ không phải không có. Thêm nữa, các thầy cô phải gieo tâm huyết yêu nghề, ngọn lửa đam mê của mình cho các học trò thì mới mong vực dậy được vị thế ngành Sư phạm”, GS Trần Thanh Vân nêu quan điểm.

Luôn tâm niệm rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào chính vào thế hệ trẻ - các em học sinh, sinh viên, GS Trần Thanh Vân sáng lập Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” và thuyết phục được GS. TS. Odon Vallet dành 1/10 quỹ học bổng của mình để giúp các em học sinh, sinh viên giỏi tại Việt Nam.

GS Trần Thanh Vân (ngoài cùng bên trái) và GS Pháp Odon Vallet (ngoài cùng bên phải) tại buổi gặp gỡ thân mật với các em học sinh xuất sắc được trao học bổng Vallet 2017 tối 26/8 ở Hà Nội.
GS Trần Thanh Vân (ngoài cùng bên trái) và GS Pháp Odon Vallet (ngoài cùng bên phải) tại buổi gặp gỡ thân mật với các em học sinh xuất sắc được trao học bổng Vallet 2017 tối 26/8 ở Hà Nội.

Với chặng đường 17 năm của Quỹ Học bổng Vallet, đã có hơn 33.000 HS, SV Việt Nam vinh dự được nhận học bổng với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng.

“Trình độ của học sinh Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc đáng kể. Số em được giải thưởng quốc tế năm 2017 khá đông. Điều mà chúng tôi rất mong muốn là các em đã giành được học bổng Vallet nên chủ động lập thành một nhóm. Tương lai sau này, các em có thể đưa nền khoa học cơ bản của Việt Nam ngày tiến tới, tiệm cận so với trình độ thế giới”, GS Trần Thanh Vân nhắn nhủ.

Giáo sư Trần Thanh Vân sinh năm 1935. Khi mới 16 tuổi, ông đã rời quê hương Quảng Bình đến Pháp du học. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông trở thành bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử. Năm 2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội vật lý Mỹ.

Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công của Gặp gỡ Moriond (46 năm) và Gặp gỡ Blois (22 năm), năm 1993 GS Trần Thanh Vân đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ quê hương Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, tổ chức Quỹ học bổng Vallet từ năm 2001.

Năm 2013, ước mơ ấp ủ 50 năm của ông đã được thực hiện - Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành nhằm giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm