Thực là một ca khó hiểu!
(Dân trí) - Theo nội dung bài báo được tác giả Nguyễn Mạnh đăng tải trên Dân trí sáng ngày 3/12/2019 thì Tổng cục Quản lý thị trường đã lên tiếng trước nghi vấn “bảo kê” vụ Senven.AM.
Theo nội dung bài báo được tác giả Nguyễn Mạnh đăng tải trên Dân trí sáng ngày 3/12/2019 thì Tổng cục Quản lý thị trường đã lên tiếng trước nghi vấn “bảo kê” vụ Senven.AM.
Cụ thể, những diễn biến quanh vụ việc này thời gian qua không khỏi gây khó hiểu sau khi nhà sáng lập Nguyễn Vũ Hải Anh thừa nhận có việc nhập hàng từ Trung Quốc và đều có hoá đơn chứng từ, việc cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa. Thế nhưng, điều bất ngờ là sau đó, cơ quan chức năng kiểm tra thì lại thấy doanh nghiệp này mới chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về.
Sau đó, ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc Công ty MHA (doanh nghiệp quản lý thương hiệu Seven.AM) giải thích lại rằng, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không phải là đại diện phát ngôn của doanh nghiệp này, không còn là cổ đông của công ty này nữa nên phát ngôn của ông Hải Anh chỉ là ý kiến cá nhân.
Đồng thời, lãnh đạo MHA khẳng định, công ty này chỉ nhập khẩu một số lượng nhỏ phụ kiện (sản phẩm phụ kiện như túi, ví… nhập khẩu từ Trung Quốc) để bán kèm.
Về phía ông Nguyễn Vũ Hải Anh, ông này sau đó có bản tường trình gửi Đội Quản lý Thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội cho hay rằng, những phát ngôn của mình đưa ra trong lúc “bối rối”, nhưng được cung cấp bởi bên cung ứng của Công ty MHA.
Báo chí lẫn người tiêu dùng rất khó hiểu bởi nếu đúng như lời ông Đặng Quốc Anh thì Seven.AM đã bị “vạ” vì sự “nhỡ mồm” của nhà sáng lập Nguyễn Vũ Hải Anh? Và liệu có phải ông Hải Anh đã bôi nhọ chính thương hiệu gắn với tên tuổi của mình?
Chính bởi vậy nên mới đây, khi Seven.AM bị xử phạt vi phạm hành chính 170 triệu đồng, bản kết luận kiểm tra bị đặt nghi vấn có dấu hiệu “bảo kê” với Công ty cổ phần MHA, hay cho rằng, cơ quan này chưa xử lý đúng bản chất sự việc.
Trước nghi vấn nêu trên, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường đã lên tiếng khẳng định không có chuyện bảo kê, bao che cho các sai phạm và cho biết: “Sự việc vẫn tiếp tục được xác minh, làm rõ và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật”.
Và như vậy, chúng ta hãy cùng chờ đợi kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng. Bản thân người viết vẫn nhấn mạnh, thâm tâm không hề mong muốn rằng sẽ có thêm một thương hiệu nhập hàng Trung Quốc nhưng lại “đội lốt” sản xuất tại Việt Nam. Tuy vậy, mọi giải thích cần rõ ràng và thuyết phục.
Ít nhất là trong trường hợp nói trên, phải làm rõ được những thông tin mà bên cung ứng của MHA đã cung cấp cho ông Nguyễn Vũ Hải Anh. Người tiêu dùng, công luận chỉ quan tâm đến sự thật chứ không cần biết ông Hải Anh còn hay không còn vai trò phát ngôn tại công ty.
Từ việc dư luận đặt “nghi vấn” trong sự việc trên, có lẽ cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại niềm tin trong lòng dân.
Nếu như vẫn còn tình trạng “mắt nhắm, mắt mở” trong quản lý, giám sát thì hỏi sao môi trường kinh doanh vẫn chưa thể “sạch”, và doanh nghiệp vẫn còn có điều kiện “nước đục thả câu”, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng!
Và nên chăng, cùng với chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm thì hình thức giám sát, xử phạt đối với cán bộ cơ quan quản lý “tiếp tay” (nếu có) cũng phải mạnh hơn nữa?
Bích Diệp