“Thứ trưởng tại sao không thể đi lại như người dân?”
(Dân trí) - Đầu tuần trước, hình ảnh 6 vị Thứ trưởng của Bộ Tài chính lần đầu đi taxi, đi xe riêng đến công sở đã khiến nhiều người dân chú ý. Nhiều ý kiến bàn ra, tán vào. Có người khen, có người bày tỏ sự nghi ngờ về hiệu quả của việc "thí điểm" này. Nhưng thực sự, việc này giúp giảm chi phí từ ngân sách là điều không thể phủ nhận.
Không phải tự nhiên, đầu giờ sáng ngày đầu tiên các Thứ trưởng Tài chính, người thì đi bằng taxi, người thì "quá giang" bằng xe của con gái, người tự lái bằng xe riêng... đã có hàng chục phóng viên các báo chờ đợi, chụp hình, quay phim.
Hôm đó, có phóng viên còn chờ hết giờ làm việc, "phục kích" ở cổng Bộ Tài chính để quay phim xe các Thứ trưởng có tiếp tục đi xe công về nhà không. Và điều này, có lúc đã gây nên ra nhận định sai lầm: Có Thứ trưởng được phóng viên cho là vẫn đi xe biển xanh về nhà nhưng kỳ thực, Thứ trưởng đó đến dự cuộc họp muộn trên Văn phòng Chính phủ.
Ở ta, đôi khi một số người giữ sự thành kiến quá lâu hoặc luôn có xu hướng bình phẩm tiêu cực về mọi vấn đề. Trong câu chuyện Bộ Tài chính khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng và lãnh đạo các Tổng cục của Bộ này, những người am hiểu về chế độ, chính sách tài chính đều thấy ngay rằng, dù mới thí điểm ở khâu đưa, đón từ nhà riêng đến cơ quan thì việc này cũng sẽ làm giảm đáng kể tiền xăng, xe cho nhà nước.
Chúng ta phải thấy là, với chính sách xe biển xanh phục vụ các "sếp" hiện nay, thì chiếc xe biển xanh ấy không chỉ phục vụ chỉ một "sếp" không thôi mà người lái xe thường được yêu cầu: Chở vợ sếp đi làm, đi chơi, chở con sếp đi học, chở cả nhà sếp đi ăn uống, về quê, du lịch, chở sếp đi chơi golf... Cho nên, tiền lương cho anh lái xe một đằng, tiền xăng xe của Nhà nước phải chi vô cùng lớn.
Mà với thực tế, có quá nhiều xe phục vụ chức danh lãnh đạo hiện nay, nếu cùng áp dụng chính sách trên, dù mới chỉ là khoán tiền dùng xe đưa, đón từ nhà đến cơ quan, không cho dùng xe, chỉ cho dùng xe đi công cán chắc chắn sẽ tiết kiệm ít nhất nhiều nhiều tỷ đồng/năm.
Nên nhớ, dù xe công hiện nay chỉ quy định phục vụ cá nhân từ cấp Thứ trưởng, Tổng cục trưởng trở lên và ở địa phương chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lãnh đạo cấp Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Bí thư mới được phục vụ xe riêng và cả nước chỉ có khoảng hơn 900 xe được quy định phục vụ riêng các "sếp" lớn. Nhưng thực tế, ở hầu hết các nơi, lãnh đạo cấp quận, huyện đã ung dung dùng xe biển xanh đi việc công, việc riêng 365/365 ngày rồi.
Như con số của Cục Quản lý công sản công bố, cả nước hiện có gần 40 ngàn xe công và số kinh phí chi cho 1 chiếc xe công chia trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm: Tiền xăng xe, bảo dưỡng, lương lái xe... Và người ta hay nhầm lẫn ví dụ đổ đồng cho xe phục vụ các Thứ trưởng, Bộ trưởng, Chủ tịch, Bí thư các tỉnh cũng ở mức đó. Thực tế là tiền chi cho xe phục vụ cá nhân, xe dùng chung ở các Bộ, ngành như vậy lớn hơn rất nhiều, thậm chí có xe có thể lên tới 7-800 triệu đồng/năm bởi vì trong số gần 40 ngàn chiếc xe công kia, có những dạng xe chuyên dụng, ít sử dụng thì chi phí cho các xe đó lại rất thấp.
Cho nên, với việc quy định cho các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng của mình tự túc việc đi xe đến bộ, về nhà, Bộ Tài chính đã làm được một việc rất đáng để chúng ta cổ vũ, thay vì cứ hoài nghi và phê phán mãi. Đây có thể coi như một cố gắng bước đầu để làm gương, giảm bớt việc sử dụng xe công vào việc riêng.
Trao đổi với Dân trí, một cán bộ cấp vụ của Bộ Tài chính cho biết, thực sự, việc khoán xe này, nhiều Thứ trưởng cũng "không thích đâu" vì dù gì, được dùng xe công đưa, đón, vẫn tiện hơn là đi taxi nhiều mà tiền thì vài triệu đồng với các vị đó, không là vấn đề gì lắm. Ông cho biết, trong những ngày qua, hàng chục các Thứ trưởng các bộ, ngành khác đã gọi điện bày tỏ lo lắng: Ơ thế bên các ông áp dụng thật đấy à? Với tâm lý thực sự lo ngại nếu việc khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ áp dụng đại trà đến các Bộ khác ở thì tương lai.
Có nhiều vị hiện được áp dụng chính sách xe đưa, đón đang nói ra, nói vào việc áp dụng chính sách này. Có người đã nói: Đi xe cá nhân, biển trắng sẽ không vào được cơ quan nhà nước: Văn phòng Chính phủ, Quốc hội... vì bảo vệ không cho vào. Nhưng đáng mừng, cũng đã có những Thứ trưởng nhận thức được vấn đề. Một vị Thứ trưởng Bộ Tài chính nói với Dân trí: Tôi nghĩ là OK, chẳng vấn đề gì. Xe taxi đón mình đến trụ sở Quốc hội, không vào được thì mình đi bộ một đoạn có sao đâu? Thứ trưởng tại sao không thể đi lại như người dân? Đó là một suy nghĩ đúng đắn và tích cực.
Đến giờ thì đã quá rõ, việc khoán kinh phí dùng xe công này nếu áp dụng có hiệu quả, tiết kiệm được nhiều thì sau đây, việc rút kinh nghiệm tổ chức, áp dụng đại trà ở nhiều bộ, ngành, các địa phương có thể sẽ giảm thêm hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm nữa. Nhất là nếu khoán cho cả việc đi công tác.
Tất nhiên, có thể sẽ có một số vị nằm ở diện dự kiến sẽ được khoán, bỏ chế độ dùng xe công chẳng vui vẻ gì với chính sách này (trước đây, ở Quốc hội, đã có người xung phong nhận khoán 10 triệu đồng/tháng nhưng sau đó lại xin bỏ vì tự thấy dùng xe công thích hơn, oai hơn). Nhưng chính vì thế, càng phải áp dụng khoán xe công.
Mạnh Quân