Thủ khoa thất nghiệp – Một góc nhìn khác!

(Dân trí) - Tuy nhiên, nói gì thì nói, đã là thủ khoa mà không xin được việc làm, ngoài những thói hư tật xấu của xã hội thì cũng nên nhìn lại cái danh thủ khoa và nơi đào tạo ra thủ khoa đó.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Trước hết, hành động tìm việc cho thủ khoa La Văn Ngọ - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2013 là một việc làm đáng ghi nhận của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
 
Song, cũng phải thẳng thắn đặt vấn đề rằng nhiệm vụ của Bộ trưởng không phải là để làm việc đó và đây chỉ là trường hợp hiếm hoi, thậm chí là duy nhất bởi lòng tốt của Bộ trưởng có nhiều bao nhiêu thì với cách làm này, ông cũng chỉ giúp được một vài trường hợp chứ không thể giúp cho tất cả các… thủ khoa thất nghiệp khác.
 
Vì vậy, giải pháp sâu xa để giải quyết vấn đề này là trả lời câu hỏi vì sao thủ khoa của một trường đại học lớn, của một ngành đang thiếu cán bộ trầm trọng ở một đất nước đang nóng bỏng bởi thiếu các nhà khoa học, kỹ thuật có trình độ cao thì thủ khoa của một trường đại học “danh tiếng” của chính ngành đó lại thất nghiệp, không xin nổi việc làm?

Ở đây có lẽ có mấy nguyên nhân.

Thứ nhất, đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền đang xâm lấn trong các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan công quyền hoặc các công ty nhà nước. Chính những “công chức 30%” này đã chiếm chỗ của những người có năng lực thực sự.

Thứ hai, đó là thực trạng của một nền kinh tế cần người “khôn”, tức là những người giỏi giao tiếp, có “dây rợ”, nhiều “mánh khóe” hơn là những cán bộ khoa học, kỹ thuật thuần túy.

Còn có một nguyên nhân thứ ba còn quan trọng và cơ bản hơn là chúng ta đã và đang đào tạo ra một lớp “cử nhân giấy”. Đó là những sinh viên mọt sách, học những lý thuyết viển vông trong nhà trường mà xa rời với đời sống thực tế.

Tình trạng các doanh nghiệp phải “đào tạo lại” các cử nhân, kỹ sư không phải là hiếm.

Ngay tại các tòa soạn báo, mỗi lần thi tuyển phóng viên là một lần ban biên tập phải có chủ trương “đào tạo lại”.

Cử nhân báo chí không viết nổi một cái tin cho hoàn chỉnh, thậm chí viết sai những lỗi chính tả sơ đẳng gần như là chuyện… đương nhiên.

Vì thế, có lẽ không ở đâu như ở Việt Nam, thủ khoa của một trường đại học có tên tuổi lại bị “rẻ rúng” đến mức không xin được việc làm. Nếu như ở các nước có nền giáo dục tiến tiến, các nhà tuyển dụng luôn luôn săn đón, thậm chí nâng đỡ, hỗ trợ cho những tài năng trẻ thì ở Việt Nam, thủ khoa lại thất nghiệp.

Điều đó chứng tỏ thị trường không chấp nhận những sản phảm của các trường đại học hay nói một cách khác, sản phẩm của nhà trường đang.. ế ẩm!

Một nền giáo dục trên mây, dưới gió, ví dụ nếu như ông thày dạy báo chi không viết nổi một cái tin cho ra hồn thì học trò có là thủ khoa vẫn thất nghiệp.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, đã là thủ khoa mà không xin được việc làm, ngoài những thói hư tật xấu của xã hội nêu trên cũng nên nhìn lại cái danh thủ khoa và nơi đào tạo ra thủ khoa đó.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!