Thông điệp “vận nước” từ bức thư ông Trọng gửi cô giáo cũ

(Dân trí) - Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho cô giáo từng dạy mình từ những năm tiểu học tại thời điểm này, theo người viết, không chỉ là đạo lý, là tình cảm mà còn ẩn chứa trong đó nhiều thông điệp.

m_cogiao.jpg

 

 

Những ngày qua, nhiều tờ báo đăng tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tự tay viết thư chúc mừng năm mới cô giáo cũ.

Bức thư được viết vào ngày 25/1/2019 (tức ngày 20 tháng Chạp) gửi cô giáo dạy môn toán từ năm lớp 4 - Đặng Thị Phúc, năm nay cụ Phúc đã 86 tuổi.

Thư ông Trọng viết: “Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.

Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".

Ở cuối bức thư, người học trò cũ Nguyễn Phú Trọng viết thêm: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.

Thật ra, việc ngày lễ tết, học trò tri ân thầy, cô giáo của mình nằm trọng đạo lý tôn sư, trọng đạo ngàn đời của người Việt. “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.

Song, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho cô giáo từng dạy mình từ những năm tiểu học tại thời điểm này, theo người viết, không chỉ là đạo lý, là tình cảm mà còn ẩn chứa trong đó nhiều thông điệp.

Thứ nhất, công bằng nhìn nhận thì những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, cả sự xuống cấp của đạo đức xã hội lẫn ở đâu đó, lúc này, lúc khác có những người thầy chưa thật “trọng đạo” nên khó được trò “tôn sư”. Điều đó khiến hình ảnh người thầy ít nhiều bị ảnh hưởng.

Việc ông Trọng gửi thư chúc mừng cô giáo cũ của mình phải chăng là sự  khẳng định vai trò, vị thế cao quý của người thầy không hề thay đổi? Nói cách khác, dù có những tồn tại nào đó ở một số nơi, một số chỗ nhưng không vì vậy mà vị thế người thầy mai một.

Thông điệp thứ hai, đây chính là hành động làm gương, nhắc nhở những cán bộ, công chức, quan chức hãy luôn ghi nhớ bổn phận và trách nhiệm của mình với thầy cô bởi “Không thầy, đố mày làm nên”.

Thực tế đã cho thấy, cũng có người khi có chức, có quyền, có danh, có vọng thường “quên” công lao người đã dạy dỗ nên mình từ thủa ấu thơ.

Thứ ba, cách đây gần 300 năm, Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng khuyến cáo 5 nguy cơ dẫn đến mất nước. Trong đó, “Trò không trọng thầy” đứng thứ hai (Trẻ không kính già. Trò không trọng thầy. Binh kiêu tướng thoái. Tham nhũng tràn lan. Sĩ phu ngoảnh mặt).

Việc TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng năm mới cô giáo cũ đã thể hiện sự kính trọng của mình (học trò) với thầy (cô giáo).

Thứ tư, việc làm của TBT, Chủ tịch nước cũng là lời động viên, chia sẻ với các thầy, các cô, dù cuộc sống còn không ít khó khăn trong thời điểm tết đến, xuân về…

Có điều nữa, theo suy nghĩ của người viết bài này, đó là khi đất nước được lãnh đạo bởi một người có nghĩa, có tình, có đạo lý thì đó là khi vận nước đang lên!

 

Bùi Hoàng Tám