Thông điệp “tình người” sau gánh hàng rong bị cán nát

(Dân trí) - “Đang đợi xe để về quê thì nghe tiếng ‘xoẹp xoẹp’ kèm theo tiếng kêu của bác bán hoa quả ‘ối giời ơi cháu ơi’. Cán nát nia hoa quả của người ta xong rồi còn chửi ‘ngày nào cũng ngồi đây’

Thông điệp “tình người” sau gánh hàng rong bị cán nát - 1

”.

Câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội kèm theo hình ảnh không mấy đẹp mắt xảy ra ngay trước dịp Tết Nguyên đán, khi ai ai cũng đều hối hả, tất bật, cố gắng bám trụ kiếm thêm ít thu nhập để chuẩn bị cho ngày Tết được tươm tất, đủ đầy hơn.

Trong bức ảnh ghi lại, mẹt hoa quả con con chỉ với vài ba thứ quả: táo, xoài, cam… được một phụ nữ bày bán trên vỉa hè, ngay trước một cửa hàng quần áo. Từ đâu tới, chiếc xe máy do người phụ nữ trẻ tuổi hơn (được cho là chủ cửa hàng) điều khiển, cố ý lao thẳng vào cho bánh xe đè nát hoa quả. Còn người bán hàng rong chỉ kịp kéo sọt bưởi lui ra để tránh bị cán trúng.

Mới thoáng nhìn qua cũng thấy hành động của người đi xe máy là rất phản cảm. Do đó, không khó hiểu khi những bức ảnh ghi lại sự việc được đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội thì lập tức đã đón nhận một làn sóng phẫn nộ, giận dữ của cộng đồng.

Đa phần cư dân mạng đều đánh giá đây là một thái độ “quá hỗn láo và thiếu tình người”, thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, hành động đó phản ánh sự “vô cảm”, “vô văn hoá” của người lái xe máy. Có người còn tìm ra trang Facebook của người phụ nữ đi xe máy nói trên để “tấn công” và khiến người này phải xoá toàn bộ tài khoản mạng xã hội của mình.

Thế mới thấy, cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì áp lực dư luận cũng ngày càng lớn. Muốn tránh khỏi bị “tấn công” thì cần phải thận trọng và cân nhắc trong cách hành xử của bản thân. Có điều, không phải ai cũng làm được như vậy.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hồ Trọng Thắng - Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi xảy ra sự việc nói trên cho hay, sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, cơ quan này đã cử cán bộ phường xuống nhắc nhở cô gái chủ cửa hàng quần áo về cách cư xử của mình.

Ông Thắng nói: “Chắc cũng do người phụ nữ này đã quá bức xúc vì nhiều lần nhắc nhở bà bán hàng rong không được ngồi đó mà không được, nên mới có hành vi phản cảm đó”.

Quả đúng là đặt trong hoàn cảnh ấy, người bán hàng rong đã sai khi bày bán hàng hoá trước cơ sở kinh doanh của người khác, không hợp tác và cản trở họ. Thế nhưng, chủ cửa hàng quần áo cũng giận quá hoá mất khôn, không kiềm chế được bức xúc để xảy ra hành vi không đúng mực.

Dù có không đồng ý với việc bày bán hàng rong trước cửa hàng mình, thì người chủ cũng có thể có những cách dàn xếp khác, có những lựa chọn khác, thay vì chọn cách xử lý tiêu cực như vậy.

Một mẹt hoa quả người hàng rong chẳng đáng bao nhiêu. Cứ cho là có ngồi bán cả ngày hết số hoa quả ấy, người bán cũng khó lãi được 100 - 200 ngàn đồng. Thế nên, hành động cán xe lên mẹt hoa quả, lên gánh mưu sinh của người khác là không thể chấp nhận.

Về phía đại diện UBND phường, ông Thắng nói rằng: “Đơn vị đã nhiều lần đến xử lý vỉa hè nhưng bà bán hàng rong lại xin. Họ cũng chỉ có mấy thứ hoa quả nên anh em chỉ nhắc nhở ngồi gọn gàng”. Hơn nữa, người bán rong là từ nơi khác đến, không phải cư dân trên địa bàn quản lý.

Sự nhắc nhở đó của cơ quan quản lý là cần thiết, và cần hơn là một sự dàn xếp, đảm bảo trật tự. Bán hàng rong không phải là hoạt động phạm pháp và không bị cấm, chỉ bị hạn chế ở một số nơi nhất định và đã được quy định rõ.

Người bán hàng rong phần lớn cũng là những người yếu thế trong xã hội, cần được chăm lo và bảo vệ. Chính vì vậy, chỉ mong sao, xã hội sẽ cảm thông và bao dung hơn với họ, để cuộc sống này nhiều yêu thương và trở nên nhẹ nhàng hơn…  

Bích Diệp