Thói vô cảm & cố ý làm trái của "công bộc" không có trái tim

(Dân trí) - Trong tuần qua đã xảy ra một loạt câu chuyện cho thấy, sự vô cảm, vô tâm và không chấp hành đúng quy định pháp luật của không ít cán bộ, công chức, trong khi hành xử với dân đã khiến dư luận bức xúc, lên án. Phải chăng, đã quá lâu rồi, không thấy có những đợt chấn chỉnh mạnh mẽ cần thiết về thái độ, tác phong thực thi công vụ?

Thói vô cảm & cố ý làm trái của "công bộc" không có trái tim - 1

Câu chuyện "nóng" nhất trong tuần về việc các cán bộ, công chức ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) đã quá vô cảm khi để một người dân xin cấp giấy chứng tử phải năm lần, bảy lượt đến nay vẫn có những ý kiến tranh cãi. Tranh cãi về thời gian cấp là đúng hay không đúng, tranh cãi về chuyện người tố cáo chuyện đó có thực sự trung thực...

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đều cho rằng đó là vô cảm: Việc cấp giấy chứng tử lại nói rằng, đúng quy trình, đúng quy định (tối đa 1 ngày) rõ ràng quá cứng nhắc và bất hợp lý, khi vắng Phó Chủ tịch Phường thì vẫn còn có Chủ tịch Phường có thể trực tiếp ký ngay.

Câu chuyện thứ 2: Như báo Thanh niên đưa tin, ngày 26/7, một đoàn kiểm tra của UBND phường 15, quận Tân Bình kéo đến nhà một người dân ở đường Phan Huy Ích, phá cửa, bắt 9 con gà đông tảo trị giá hơn 10 triệu đồng để đem đi tiêu hủy. Ông Chủ tịch Phường này sau đó giải thích là thực hiện theo một Chỉ thị của UBND TPHCM ban hành năm 2015 về việc người dân không được nuôi gia súc, gia cầm trong nội đô để ngăn ngừa dịch cúm.

Thế nhưng, các luật sư đều chỉ ra đó là một hành vi hoàn toàn sai trái do Chỉ thị trên, qua xem xét bản gốc đã hết hiệu lực ngay trong năm 2015. Việc cả một đoàn công tác của Phường này phá cửa xông vào nhà, khi người dân không có nhà, cho dù biện minh là có người của Tổ Dân phố thì vẫn không thể chấp nhận được vì nó đã vi phạm Điều 22 Hiến pháp 2013. Theo đó, "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý". Bộ luật Hình sự cũng đã có một điều khoản (điều 12) nghiêm cấm xâm phạm chỗ ở của công dân.

Dù không có gì ghê gớm nhưng 9 con gà, cũng như một cái cây, một chiếc ghế... trong nhà công dân vẫn là một tài sản. Tịch thu, tiêu hủy tài sản đều phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu có vi phạm hành chính thì vẫn phải lập biên bản hành chính, có quyết định giữ tang vật, nhưng qua phản ánh, đoàn công tác này đều không có, như vậy, những người này còn có dấu hiệu cố ý hủy hoại tài sản của công dân.

Ở cả 2 câu chuyện, xảy ra liên tiếp trong vòng một tuần ở 2 thành phố lớn nhất nước đều toát lên vấn đề về thái độ, trách nhiệm của chính các cán bộ, công chức nhà nước- những người vốn được gọi là "công bộc" của dân trong ứng xử, giao tiếp với người dân. Có nơi đã biểu hiện rất rõ có những cán bộ, công chức đã vi phạm quy định nhà nước, có nơi thể hiện sự cứng nhắc, vô cảm trong việc thực thi nhiệm vụ.

Tất cả những điều này đều đáng phải lên án và chắc rằng, cơ quan quản lý cấp trên sẽ sớm có động thái chấn chỉnh.

Tuy nhiên, có thể nói, từ các sự việc trên cho thấy, công cuộc cải cách hành chính, thủ tục hành chính vốn được đề ra khá lâu, đã có nhiều thời điểm làm quyết liệt, có kết quả nhất định nhưng có vẻ như gần đây bị chùng xuống và chưa làm thay đổi được nhiều về tinh thần, thái độ phục vụ của nhiều cán bộ, công chức cơ sở. Hai vụ việc xảy ra trong cùng một tuần như trên là quá đủ minh chứng cho thực tế này.

Mạnh Quân