Thời “úm ba la” xe công thành “xe ông” liệu có chấm dứt?

(Dân trí) - Đã có thời tình trạng sử dụng xe công diễn ra rất tùy tiện. Không ít nơi xe công biến thành “xe ông”, được sử dụng với những mục đích phục vụ đời sống sinh hoạt của một số cán bộ có chức, có quyền từ đi chùa chiền, hè hội, đi chợ cho đến việc đón con cháu sếp…

Thời “úm ba la” xe công thành “xe ông” liệu có chấm dứt? - 1

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công để lấy ý kiến từ các bộ ngành ngay trong tháng 3 này là một thông tin mới về một việc không mới. Đó là xung quanh chuyện mua sắm và sử dụng xe công.

Mới là bởi lần này, nó được đưa vào nghị định và với hình thức quản lý từ khâu đầu vào. Cũ bởi từ năm 2007, Bộ Tài chính dưới thời ông Vũ Văn Ninh đã từng đề nghị Chính phủ ban hành Quyết định 59 về việc khoán xe công. Theo đó, tiền phụ cấp xe công sẽ được tính vào lương cho các đối tượng từ cấp thứ trưởng (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND) trở xuống.

Không hiểu cái Quyết định 59 này bị “dớp”, đen đủi thế nào mà kể từ khi ban hành, trải qua gần 9 năm (5/2007 – 10/2016) mới có duy nhất một người thực hiện là ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Giờ thì ông Thuận thì đã nghỉ hưu từ… lâu lắm rồi.

Tiếp đó cũng vào tháng 10/2016, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng còn ký ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh thuộc bộ này. Đối tượng áp dụng là các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.

Trong dự thảo Nghị định mới này, Bộ Tài chính khống chế ở tầng vĩ mô. Ví dụ qui định cụ thể các cơ quan tổ chức đơn vị thuộc tỉnh uỷ nếu chưa hợp nhất thì tổng định mức sẽ là 9 xe, gồm 4 xe của văn phòng, 5 xe thuộc của các ban thuộc tỉnh uỷ. Trường hợp đã hoàn thiện việc hợp nhất bộ máy, số xe định mức sẽ chỉ còn 7, giảm 2 xe. Tương tự, đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức thuộc hội đồng nhân dân, số xe cũng giảm từ mức 9 xe xuống còn 2 xe, nếu bộ máy tổ chức hợp nhất.

Cùng với dự thảo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết như mua sắm ô tô trong các dự án ODA.

Như vậy là nếu các qui định trước đây nhằm vào những cá nhân cụ thể thì giờ đây, dự thảo mới này nhằm thắt chặt đầu vào, khống chế từ khâu mua sắm.

Nhìn lại những năm trước, đã có thời tình trạng sử dụng xe công diễn ra rất tùy tiện. Không ít nơi xe công biến thành “xe ông”, được sử dụng với những mục đích phục vụ đời sống sinh hoạt của một số cán bộ có chức, có quyền từ đi chùa chiền, hè hội, đi chợ cho đến việc đón con cháu sếp…

Gần đây, nhờ những qui định và sự phát hiện của báo chí cũng như của quần chúng nhân dân cộng với việc xử lý kiên quyết, tình trạng trên đã giảm đáng kể. Ít nhất là người dân không còn thấy cảnh từng đoàn xe “rồng rắn lên mây” đi chùa chiền, hiếu hỉ hay thăm quan, hè hội…

Hi vọng rằng với những biện pháp quản lý chặt chẽ này, chuyên úm ba la “xe công” thành… xe ông sẽ chấm dứt và không tái diễn, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám