Thôi thì đành phải “thông thái” chứ biết làm sao?

Bích Diệp

(Dân trí) - Liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, đến nay đã có 10 người bị ngộ độc nặng (điều trị tại các bệnh viện của TP HCM và TP Hà Nội).

Thôi thì đành phải “thông thái” chứ biết làm sao? - 1

Phải thú thật là cho đến khi xảy ra vụ việc này, là một người tiêu dùng, tôi mới có chút hiểu biết về vi khuẩn này (nhưng cũng chẳng thể nhớ nổi tên gọi đầy tính chuyên môn kia). Tôi chỉ biết rằng, một khi mình mua sản phẩm tại một địa chỉ có tên tuổi đàng hoàng, được cấp phép hẳn hoi thì cứ thế mà yên tâm, vì tin chắc sản phẩm đó đã phải qua đủ các khâu kiểm tra, kiểm định, kiểm nghiệm… thì mới đến tay người tiêu dùng được.

Thế mà hoá ra không phải!

Minh Chay là một nhà hàng có tiếng về món chay ở Hà Nội, sản phẩm của họ còn được bán trực tuyến trên web. Họ có công ty quản lý vốn điều lệ đăng ký tới 20 tỷ đồng (nay rút xuống còn 5 tỷ), rõ ràng là rất chuyên nghiệp… Ấy vậy mà vẫn có sự cố như trên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế lại cho biết, “Cục An toàn thực phẩm là cơ quan quản lý nhà nước về mặt hành chính, đơn vị đã làm tất cả các bước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cảnh báo cho người tiêu dùng để tránh tiếp tục có những hậu quả tiếp theo”.

Lãnh đạo đơn vị này còn khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cũng như tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm cho cơ sở này là do ngành nông nghiệp của TP Hà Nội thực hiện.

Còn ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tuy có thừa nhận việc chịu trách nhiệm giám sát, điều tra điều kiện an toàn thực phẩm là của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, nhưng lại nói thêm: “Trong vụ việc này, ngành y tế và nông nghiệp đang phối hợp để xử lý, khắc phục hậu quả”. (Báo Dân Việt, 3/9/2020).

Trước đây, tôi từng nghe một người bạn làm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm cho biết, để đưa được sản phẩm ra thị trường thì họ phải qua rất nhiều khâu cấp phép, rất nhiều đơn vị quản lý, rất nhiều thủ tục.

Thế nhưng, khi người tiêu dùng mua sản phẩm rồi bị ngộ độc, không biết phải kêu ai?

Đã đành là trước kiến nghị của Bộ Y tế, Công an Hà Nội cho biết sẽ vào cuộc điều tra (tiến hành giải quyết theo tin báo tố giác tội phạm) và bản thân công ty sản xuất sản phẩm pate Minh Chay cũng vừa bị xử phạt hành chính (những… 17,5 triệu đồng!!!) nhưng thuốc hiếm giải độc botulinum lại lên tới 8.000 USD (tức là trên 185 triệu đồng).

Để cứu những bệnh nhân không may này, trách nhiệm thuộc về bác sĩ. Nhưng, ai sẽ trả tiền thuốc men, tiền viện phí? Là gia đình bệnh nhân, là cơ quan bảo hiểm? Còn công ty Lối sống mới thì sao, họ có chịu trách nhiệm gì hay không?

Cho tới thời điểm này, người viết vẫn chưa được biết về cách thức mà công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ đền bù thiệt hại cho khách hàng của họ thế nào. Có điều, thiệt hại về tài chính, về sức khoẻ (thậm chí đe doạ đến tính mạng) là có thật.

Chỉ từ ngày 1/7 đến 28/8, tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 1.187 người dân mua sản phẩm pate Minh Chay. Con số này được chính đơn vị sở hữu nhãn hàng Minh Chay cung cấp.

Điều đó có nghĩa là trong thời gian này, hàng nghìn người đang phải thấp thỏm lo âu vì đã lỡ ăn loại pate này. Trong đó, những người sử dụng sản phẩm này thường xuyên hẳn là không khỏi cảm thấy “ớn lạnh”.

Botulinum được xem là một trong những loại độc tố mạnh nhất, chỉ cần hấp thụ với liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng cũng đã có thể gây chết người. “Botulinum tấn công vào hệ thần kinh, gây nhiễm độc đối xứng, lan xuống. Bệnh nhân bị liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài. Trong trường hợp liệt hô hấp, bệnh nhân phải thở máy trung bình nhiều tháng” - BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Ôi, nghe mà rụng rời chân tay ấy chứ!

Việc ngộ độc botulinum được cho biết là có nguy cơ ở mọi thực phẩm đóng hộp. Nhưng từ vụ ngộ độc pate Minh Chay, thử hỏi cơ quan nào sẽ kiểm soát, sẽ chịu trách nhiệm đây? Cấp phép xong rồi là thôi? Ai chịu trách nhiệm quản lý, giám sát? Hay là người tiêu dùng phải phó thác cho may rủi?

Mà chẳng phải riêng pate, thực phẩm đóng hộp. Lắm lúc đi chợ, đi siêu thị, tôi bật cười vì những thuật ngữ “rau an toàn”, “gạo sạch”, “thực phẩm sạch”… Đã bày bán những mặt hàng này cho người tiêu dùng (sử dụng để ăn uống) lại còn phải chú thích “sạch” hay sao? Vậy những sản phẩm không có chú thích thì là “không sạch”?

Mới thấy, với đạo đức kinh doanh và với cách quản lý như hiện nay, người tiêu dùng đành phải nâng cao hiểu biết lên đến mức “thông thái”, để mà tự bảo vệ mình thôi chứ trông mong gì các cơ quan quản lý và có họ để làm gì nhỉ? Chịu!