Thời đại 4.0, có đáng để "quay như chong chóng"?
(Dân trí) - Rất hiểu những trăn trở của lãnh đạo thành phố nhằm giữ an toàn cho Thủ đô, thế nhưng, giữa mong muốn và cách làm, vô hình trung lại khiến tình hình rối càng thêm rối...
(Phương tiện bị ùn ứ, dồn sát vào nhau, nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi không đảm bảo giãn cách)
Với thông tin từ 6h 8/9, các chốt kiểm soát của Hà Nội chính thức kiểm soát chặt, xử lý nghiêm đối với người và phương tiện ra, vào, di chuyển ở "vùng đỏ" mà không có giấy đi đường mẫu mới, trước đó ít ngày, các doanh nghiệp vẫn nán chờ đến tối muộn tại trụ sở công an phường để nộp hồ sơ cấp giấy đi đường mới.
Trong khi đó, công an một số phường nội thành Hà Nội lại cho biết đang xảy ra tình trạng quá tải. Đến đầu giờ chiều 6/9, Công an phường Thành Công (quận Ba Đình) đã tiếp nhận tới hơn 3.000 hồ sơ.
Đến chiều ngày 7/9, nhiều doanh nghiệp "như ngồi trên lửa" vì chưa có giấy đi đường. Một số doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu lo ngại việc gián đoạn sẽ vô cùng ảnh hưởng đến người dân, các doanh nghiệp khác.
Tối ngày 7/9, Hà Nội lại thông tin điều chỉnh quy định về giấy đi đường, cho dùng giấy mẫu cũ. Lúc này, một số nhà báo là đồng nghiệp của tôi thậm chí còn "bật chế độ… cảnh giác" với "bẫy việt vị" khi đưa tin.
Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp "thở phào" và có lẽ cũng không ít doanh nghiệp cảm thấy khó xử. Điều kiện dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đến tiêu thụ đã rất khó khăn, doanh nghiệp lại phải "quay cuồng" với những quy định giấy tờ. Họ phải chờ đợi, thấp thỏm lo âu, còn phải đến tận nơi trụ sở công an phường để giải quyết vấn đề hồ sơ.
Đành rằng, rất hiểu những trăn trở của lãnh đạo thành phố nhằm giữ an toàn cho Thủ đô, không để dịch lan rộng từ vùng "đỏ" sang vùng "xanh". Thế nhưng, giữa mong muốn và cách làm, vô hình trung lại khiến tình hình rối càng thêm rối.
Sáng 8/9, theo ghi nhận của PV Dân trí, hàng nghìn phương tiện ùa ra đường sau khi Hà Nội vẫn cho người dân dùng giấy đi đường kiểu cũ. Tại các chốt phòng dịch, để phục vụ công tác kiểm tra giấy đi đường, mật độ người tham gia giao thông trở nên dày đặc hơn. Vậy làm sao bảo đảm giãn cách?
Về vấn đề này, hiện Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TPHCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Như vậy có thể thấy lãnh đạo Chính phủ rất hiểu và nắm rõ những vấn đề bất cập trong qui định về giấy đi đường, không chỉ ở Hà Nội mà có thể còn ở nhiều địa phương khác. Dù rằng, tình hình dịch bệnh mỗi nơi mỗi khác nhưng cách làm cần khoa học, tránh rắc rối gây phiền hà cũng như phát sinh rủi ro cho người dân, doanh nghiệp và cho chính đội ngũ chống dịch.
Được biết, tại TPHCM, ngày 7/9, C06 đã phối hợp với Công an TPHCM lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong vòng 03 giây. Việc sử dụng camera để đọc mã QR được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Nhanh chóng; hạn chế tiếp xúc; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội.
Hay như ở Đà Nẵng, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân làm giấy đi đường chỉ cần đăng ký trực tuyến để nhận mã QR. Nếu hồ sơ gửi lên đúng, chỉ mất 2-3 phút để được duyệt và cấp.
Chúng ta đang ở thời đại 4.0, trong cuộc chiến chống lại Covid-19, người dân và doanh nghiệp vẫn nỗ lực tuân thủ quy định của Nhà nước, nên thiết nghĩ, thực không đáng để "quay như chong chóng" như vậy!