Thỏa thuận ngầm với nhau

(Dân trí) - “Nhưng đó là câu chuyện họ thỏa thuận ngầm với nhau để làm cho nhanh, chứ về mặt quản lý thì cơ quan nhà nước không có quy định nào như vậy”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là câu trả lời của ông Đào Trung Chính –Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khi được hỏi về tình trạng chủ đầu tư yêu cầu người dân phải “bôi trơn” một số tiền để được làm nhanh sổ đỏ.

Một câu trả lời quá thừa, bởi vì đương nhiên nhà nước không thể có quy định người dân phải bôi trơn để được cấp sổ đỏ. Có nhà nước nào lại đi quy định cho việc tham nhũng. Vấn đề ở chỗ là trên thực tế, người dân đang phải chịu đựng nạn tham nhũng này.

Tham nhũng trong việc cấp sổ đỏ được phản ánh nhiều, nhưng chưa dẹp được. Người dân muốn có sổ đỏ nhanh chóng thì cứ nhớ đến lời căn dặn của cụ Nguyễn Du: “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Không ai đưa tiền hối lộ rồi đi khai mình đã hối lộ, cho nên khó có thể bắt tận tay những phi vụ mà ông Đào Trung Chính nói rằng “thỏa thuận ngầm với nhau”.

Không ông dân nào muốn “tập hư” cho cán bộ, có nghĩa là đụng việc là đưa tiền, nhưng khổ một nổi, không đưa tiền thì không được việc. Người ta có đủ cách để ngâm hồ sơ, gây khó dễ, hẹn đi hẹn lại. Người cần có sổ đỏ gấp để làm việc riêng, hoặc sốt ruột muốn sở hữu hợp pháp tài sản thì phải biết điều. Một “tập quán” ứng xử trong mối quan hệ “xin – cho” được hình thành từ một nền hành chính còn chưa làm mạnh.

Muốn dẹp nạn bôi trơn không thể bằng cách hô khẩu hiệu mà phải bằng các biện pháp cụ thể. Một biện pháp đơn giản là quy định thời hạn thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ. Nếu vượt quá thời hạn, người thụ lý hồ sơ phải chịu trách nhiệm. Chỉ cần xử lý nghiêm, kỷ luật, chuyển công tác, cách chức hoặc buộc thôi việc những người không hoàn thành nhiệm vụ thì lập tức không ông cán bộ nào dám ngâm hồ sơ để chờ tiền bôi trơn.

Áp dụng biện pháp này thì người dân mới thực sự là “ông chủ”. Người dân chỉ biết nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Đúng hẹn là nhận sổ đỏ, sai hẹn thì kiện cơ quan nhà nước. Cách này không chỉ áp dụng trong việc cấp sổ đỏ mà trong tất cả các quan hệ nhà nước và công dân.

Nền hành chính lành mạnh không có chỗ cho những đồng tiền hối lộ chi phối, nhưng muốn lành mạnh không phải kêu gọi đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, mà xây dựng hệ thống quy định vận hành bộ máy hành chính khoa học, chặt chẽ, loại trừ được tham nhũng.

“Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” được coi là tham nhũng vặt, nhưng nhiều cái lặt vặt chất lại thành cái to như núi. Có như vậy người ta mới chen chúc nhau vào làm việc ở cơ quan nhà nước mặc dù lương ba đồng ba cọc.

Có một vị trí “chất lượng” trong cơ quan nhà nước thì rất dễ có cơ hội để “thỏa thuận ngầm với nhau”.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!