Thi tốt nghiệp THPT - Nên để hay bỏ?

(Dân trí) - Bài toán đặt ra là có nên tổ chức một kỳ thi tốn kém về thời gian, tiền bạc như vậy hay không? Hay là có cách nào khác như có thể để các trường được tự quyền đánh giá kết quả học tập của các em như đã từng có trong tiền lệ?

 
(Minh họa: Ngọc Diệp) 
 
(Minh họa: Ngọc Diệp) 

 

Vụ việc vi phạm nghiêm trọng qui chế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Đồi Ngô, Bắc Giang đã tạo nên một diễn đàn sôi động trên Dân trí. Hàng vạn độc giả đã quan tâm theo dõi và hàng trăm ý kiến được gửi về tòa soạn trong đó nổi lên mấy luồng quan điểm sau.

 

Thứ nhất là những bức xúc xung quanh việc thi cử cũng như chất lượng giáo dục đáng báo động. Việc thi cử nặng về hình thức cộng với tiêu cực tràn lan đã không phản ánh đúng thực lực thí sinh. Đây là mối lo nhức nhối của toàn xã hội và đặt ngành giáo dục nước nhà trước yêu cầu cần có một cuộc cách mạng triệt để. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng giáo dục mang tính nền tảng. Tư duy lạc hậu, tầm nhìn hạn hẹp, thiếu chiến lược đã và đang đẩy nền giáo dục nước nhà đến nguy cơ ngày càng tụt hậu.

 

Luồng ý kiến thứ hai đặt ra những câu trả lời cụ thể như trong trường hợp này, thí sinh quay clip có bị kỉ luật không?

 Một số ý kiến cho rằng cần phải rành mạch trong xử lý, đem điện thoại vào phòng thi là vi phạm qui chế. Một số ý kiến khác đông hơn lập luận rằng việc sử dụng camera là nhằm mục đích tích cực, cần phải khuyến khích. Mặt khác, trong trường hợp việc vi phạm có tính tổ chức, được sự đồng tình của cả giám thị, thanh tra, hội đồng thi… thì đó là cách làm duy nhất có thể.

 

Một số ý kiến khác tỏ ra thông cảm với cả… hai phía. Một mặt, đồng tình với thí sinh quay camera nhưng lại lập luận rằng việc các giám thị “cứu trợ” là muốn giúp các em vì thực tế, tiêu cực đang diễn ra ở tất cả mọi địa phương. Nếu làm căng đối với các em ở bất cứ điểm thi nào cũng là sự thiệt thòi cho các em ở điểm thi đó.

 

Sâu xa hơn, nhiều ý kiến cho rằng quay cóp là sản phẩm của tư duy học vẹt và cách ra đề thi thiếu tính sáng tạo, thiên về học thuộc.

 

Tuy nhiên, luồng ý kiến đông đảo nhất, thể hiện thái độ không đồng tình lại được dành cho những phát ngôn của vị Chủ nhiệm UB VH-GD-TTN&NĐ Quốc hội Đào Trọng Thi. Trả lời báo Dân trí, GS. Thi cho rằng “Không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”. Ngoài một số ít ý kiến đồng tình, hầu hết đều cho rằng nhìn  nhận vấn đề như GS. Thi là không thực tế, thiếu sự cảm thông và triệt tiêu việc chống tiêu cực...

 

Về phía mình, chúng tôi hết sức hoan nghênh sự góp ý chân thành, thẳng thắn và những trăn trở của tất cả chúng ta đối với ngành giáo dục nước nhà và cũng là đối với tương lai của đất nước.

 

Điều chúng tôi muốn đặt ra từ nhiều năm nay, chất lượng kỳ thi PTTH có thể nói là rất hình thức. Hầu hết các em dự thi đều đạt kết quả, thậm chí với số điểm rất cao. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở hầu hết các địa phương cũng đều đạt trên 95% và nhiều trường đạt tới 99 – 100%. Điều đó có nghĩa là bắt 10 ngàn thí sinh đi thi chỉ để chọn ra 1-200 em trượt.

 

Bài toán đặt ra là có nên tổ chức một kỳ thi tốn kém về thời gian, tiền bạc nhưng lại thu được kết quả rất hình thức như vậy không? Hay là có cách nào khác như để các trường được tự quyền đánh giá kết quả học tập như đã từng có trong tiền lệ? Vả lại, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, các em lại phải đối mặt với một kỳ thì tương đối khắt khe là kỳ thi đại học?

 

Nói một cách khác, theo các bạn có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hay không và nếu không thì nên có phương án nào?

Có lẽ không chỉ chúng tôi mà nhiều nhà giáo dục cũng đang mong chờ ý kiến từ các bạn.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!