Thêm niềm hy vọng cho giáo viên ngoài công lập
(Dân trí) - Ngoài chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, giáo viên các trường ngoài công lập sẽ có thêm hi vọng và sự động viên thiết thực sau cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên cả nước đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đáp ứng các tiêu chí theo quy định, họ được hỗ trợ một lần với số tiền 3.710.000 đồng.
Số tiền trên không là lớn nhưng phần nào đã giúp người lao động giảm bớt khó khăn, hơn hết là cho họ thêm động lực và niềm tin để gắn bó với công việc vốn rất nhiều áp lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 5/2021, cả nước có 19.312 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với hơn 90.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, có hàng trăm nghìn người lao động trong các trường tư thục, dân lập ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.
Cùng với hệ thống giáo dục công lập, đội ngũ này đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện các mục tiêu giáo dục cũng như chăm sóc thế hệ tương lai của đất nước, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giáo dục đối với trẻ.
Dịch Covid-19 tác động sâu tới hoạt động của các cơ sở giáo dục và tác động lớn đến đời sống của đại bộ phận người lao động trong lĩnh vực này, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Dừng dạy học, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, người lao động xoay ra làm đủ nghề để duy trì cuộc sống vốn đã rất khó khăn của mình.
Mặt khác, với thu nhập khó có thể nói là cao, tương xứng với số giờ làm việc thực tế, cộng với công việc bị gián đoạn trong thời gian dài do dịch Covid-19 khiến một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập khó có thể quay lại gắn bó với nghề. Đồng nghĩa với nguy cơ thiếu lao động tại các cơ sở giáo dục tư thục, dân lập, đặc biệt là đối với bậc mầm non khi được phép hoạt động trở lại.
Với diễn biến dịch như hiện tại, nhiều địa phương chưa thể mở cửa đối với hoạt động của bậc mầm non, các trung tâm nghề nghiệp ngoài công lập. Bởi vậy, dù đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ nhưng với khó khăn đặc thù, người lao động và các cơ sở giáo dục ngoài công lập vẫn cần tiếp tục được tiếp sức để có thể bám nghề và đứng dậy sau đại dịch.
Nội dung này cũng đã được Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp diễn ra vào ngày 15/11.
Để kịp thời gỡ khó của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và người lao động, Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo nghị quyết trình Chính phủ trong thời gian tới. Nghị quyết hỗ trợ được xây dựng trên tinh thần ưu tiên cho giáo dục nhưng phải bảo đảm cân đối, hài hòa với các đối tượng khó khăn khác; khuyến khích người lao động trong các cơ sở mầm non ngoài công lập tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về cơ sở vật chất; miễn, giảm thuế; vay vốn ưu đãi… sẽ được đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là tin vui đối với giáo viên và các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong những ngày cả nước tôn vinh nhà giáo. Với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và sự "gỡ vướng" kịp thời từ Chính phủ, giáo viên ngoài công lập có thêm hy vọng và niềm tin để tiếp tục yêu nghề và gắn bó với nghề, dẫu rằng con đường phía trước vẫn còn rất khó khăn.