Thầy Park không thể hy sinh SEA Games vì tham vọng ra “biển lớn”

(Dân trí) - Áp lực dành cho HLV Park Hang Seo, áp lực dành cho các cầu thủ khi phải thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ: Vươn ra biển lớn ở vòng loại World Cup và bảo vệ vị thế ở Đông Nam Á xung quanh mục tiêu Huy chương Vàng (HCV) SEA Games.

Thầy Park không thể hy sinh SEA Games vì tham vọng ra “biển lớn” - 1

Và thật ra thì riêng ở thời điểm hiện tại, khó có thể nói mục tiêu nào quan trọng hơn mục tiêu nào với bóng đá Việt Nam, đích đến nào cần thiết hơn đích đến nào đối với người hâm mộ?

Hướng về World Cup là xu thế bắt buộc mà bóng đá Việt Nam muốn nâng tầm phải hướng về đấy, trong khi bộ HCV môn bóng đá nam SEA Games là mục tiêu mà có đến chẵn… 60 năm rồi, chúng ta chưa giành được.

Với người hâm mộ, đấy là khát khao, đồng thời là lời khẳng định cho vị thế số 1 Đông Nam Á mà bóng đá Việt Nam đang có, đang muốn vượt mặt Thái Lan.

Thành ra, riêng trong năm nay, chúng ta chưa thể bỏ SEA Games được! Có lẽ HLV Park Hang Seo và các học trò sẽ cố nốt năm 2019 này, để đoạt bộ HCV SEA Games cho đội tuyển bóng đá nam, trước khi phải có lộ trình khác, định hướng khác.

Không còn nhiều nền bóng đá trên thế giới, ngoại trừ một số quốc gia tại Đông Nam Á, trong đó có bóng đá Việt Nam, tập trung đội tuyển theo kiểu “2 trong 1”, tức là rất đông tuyển thủ quốc gia đồng thời cũng là nòng cốt lực lượng của đội U22. Không còn nhiều nền bóng đá trên thế giới mà HLV đội tuyển quốc gia kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ ở đội tuyển U22.

Tính toán điểm rơi phong độ cho cả 2 đội tuyển cùng lúc, ở 2 nhiệm vụ khác nhau như HLV Park Hang Seo đang phải tính bây giờ không phải là chuyện đơn giản, dễ dẫn đến sự quá tải cho người làm chuyên môn.

Thực hiện cùng lúc nhiệm vụ ở 2 đội tuyển khác nhau, cộng thêm công việc thường ngày ở CLB chủ quản, cũng dễ khiến các cầu thủ quá tải, đi kèm với nguy cơ chấn thương.

Đấy chính là lý do mà các nền bóng đá càng tiên tiến thì càng có sự tách bạch giữa đội tuyển quốc gia và đội tuyển U22.

Giới bóng đá Việt Nam hiện nay, người hâm mộ bóng đá Việt Nam hiện nay có lẽ tạm thời chấp nhận đặc thù của bóng đá nội, tạm thời đồng tình với đội tuyển “2 trong 1”, vì cơn khát HCV SEA Games kéo dài đến tận 60 năm như đã nêu ở trên.

Chúng ta chưa có được bộ HCV đấy nên buộc phải cố gắng đạt được! Nhưng sau khi đã có bộ HCV đấy rồi, sau khi đã khẳng định được vị thế ở SEA Games rồi (trong trường hợp chúng ta vô địch SEA Games vào cuối năm nay), bóng đá Việt Nam phải đến lúc nghĩ khác và hành động khác.

Bóng đá nội không thể thấy xu thế chung của làng túc cầu thế giới mà không theo. Bằng ngược lại, bóng đá Việt Nam có khi lại rơi vào vòng luẩn quẩn giống trường hợp của nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên trong môn bơi: Ngập ngừng không biết mục tiêu chính của sự nghiệp, vì người lớn “tham bát” mà “bỏ mâm”, vì tham thành tích ở các giải đấu nhỏ mà mất định hướng ở các sân chơi lớn!

Trọng Vũ