Thành tích nhưng đừng… dối trá!
(Dân trí) - Có lẽ bản thân những lãnh đạo trong ngành cũng phải làm gương, đi đầu trước hết trong những bản báo cáo, bớt “vuốt ve”, “động viên” nhau bằng những thành tích vang dội… thì “cải cách” trên thực tế mới hy vọng là “đổi mới”!
“Giáo dục liên tục đổi nhưng chả mới, vẫn còn bệnh thành tích và dối trá nhưng không dám đối diện” – một câu nhận xét có phần nặng nề nhưng cũng rất “thật”, rất thẳng thắn của đại biểu Bùi Văn Phương được nêu ra tại phiên thảo luận của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/4 vừa qua để chuẩn bị cho kỳ họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tới.
Trước tiên, phải nhấn mạnh rằng, góp ý của vị đại biểu tỉnh Ninh Bình ở trên cũng như bài viết này không nhằm phê phán, chỉ trích mà hoàn toàn với mục đích xây dựng để nhìn thẳng vào thực trạng và khắc phục những vấn đề đang vô cùng nhức nhối ở ngành này và cũng để giảm bức xúc trong nhân dân.
Thông tin tại cuộc họp này cho hay, lĩnh vực giáo dục được đánh giá rất khả quan trong báo cáo dự trình Quốc hội. Cụ thể, theo cơ quan lập báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, năm 2018 Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Quả là thông tin mới nghe ai cũng thấy “mát lòng, mát dạ”, tràn đầy phấn chấn, lạc quan. Chúng ta không phủ nhận những nỗ lực của cả ngành giáo dục trong năm qua: những chiến tích lẫy lừng tại các cuộc thi Olympic quốc tế, những gương mặt trẻ tuổi nhận học bổng hàng tỷ đồng tại các trường đại học hàng đầu thế giới. 5 trường đại học đạt kiểm định chất lượng quốc tế HCERES…
Thế nhưng, cũng bởi những thành tích để mà báo cáo, để mà hân hoan cuối mỗi năm học mà căn bệnh “chạy đua” vẫn không ngừng nghỉ, dù cho bao nhiêu tuyên bố, bao nhiêu giải pháp đã được đưa ra. 231 cái tát mà một cô giáo ở Quảng Bình yêu cầu các học sinh trong lớp giáng vào một bạn vì nói tục trong giờ ra chơi (bị đội cờ đỏ ghi lại) vào tháng 11/2018 đến nay vẫn còn ám ảnh. 222 thí sinh được nâng hàng chục điểm trong kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường hợp trong đó là con cháu cán bộ, lãnh đạo sở ngành, địa phương…
Chưa kể bạo lực học đường với biết bao tình tiết khiến người lớn cũng phải “rợn người”; cô giáo bị nghi ngờ quan hệ bất chính với học sinh, thầy giáo lại là đối tượng lạm dụng tình dục trẻ… Những hiện trạng trớ trêu không ai tưởng tượng nổi lại rõ ràng, mồn một trong môi trường giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nhắc đi, nhắc lại tại một sự kiện diễn ra tại Yên Bái hồi cuối năm 2018 rằng: “Để giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng phải thay đổi, cán bộ quản lý giáo dục phòng, sở phải thay đổi, tôi và những người làm ở Bộ GD-ĐT cũng cần phải thay đổi” (Vietnamnet – 18/12/2018).
Ông Nhạ cũng khẳng định đã yêu cầu các vụ, cục rà soát để cắt giảm những cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục.
“Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Chứ thi mà không thiết thực, diễn là chính thì rất phản cảm” – Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đã nhìn nhận vấn đề “thi đua” gây bức bối hiện nay như thế.
Tuyên bố ấy nếu thực sự trở thành những hành động mạnh mẽ và xuyên suốt trong thực tế thì đáng mừng vô cùng. Nhưng, có lẽ bản thân những lãnh đạo trong ngành cũng phải làm gương, đi đầu trước hết trong những bản báo cáo, bớt “vuốt ve”, “động viên” nhau bằng những thành tích vang dội… thì “cải cách” trên thực tế mới hy vọng là “đổi mới”!
Thành tích thì đáng quý, nhưng đừng là… nói dối!
Bích Diệp