“Thăm dò” dầu khí hay “thăm dò” ý chí Việt Nam?

(Dân trí) - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Việt Nam đúng vào thời điểm Quốc hội nước ta đang hoàn tất bộ máy Nhà nước có “ý tứ” gì? Nói một cách khác, có hay không “phép thử”, “thăm dò” đối với bộ máy lãnh đạo mới của Nhà nước Việt Nam?


(Kiều bào ở Đức biểu tình phản đối Trung Quốc)

(Kiều bào ở Đức biểu tình phản đối Trung Quốc)

Những ngày qua, Trung Quốc lại một lần nữa đưa giàn khoan 981 vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, nơi hai nước đang tiến hành đàm phán phân định.

“Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ tối ngày 3/4/2016, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc - 110º04’18 Đông để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết.

Ngay lập tức, Chính phủ Việt Nam lên tiếng kiên quyết phản đối đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Việc tàu thuyền Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam là chuyện không mới. Riêng đối với giàn khoan Hải Dương 981, kể từ lần đầu tiên (tháng 5/2014), đây là lần thứ 3 Trung Quốc đưa “con ngáo ộp” Hải Dương 981 xâm phạm Biển Đông của nước ta.

Có một điều không khó nhận thấy, trong mỗi lần như vậy, phía Trung Quốc đều tính toán rất kỹ tính mục đích qua những âm mưu thâm hiểm.

Vậy việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Việt Nam đúng vào thời điểm Quốc hội nước ta đang hoàn tất bộ máy Nhà nước có “ý tứ” gì? Nói một cách khác, có hay không “phép thử”, “thăm dò” đối với bộ máy lãnh đạo mới của Nhà nước Việt Nam?

Nếu có điều đó, xin họ không phải “thăm dò” mà đã có câu trả lời ngay lập tức.

Đó là triều chính hay thể chế có thể thay đổi nhưng lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của mỗi người dân Việt Nam là bất biến.

Không có bất cứ ai, từ người dân thường đến mỗi vị lãnh đạo cao nhất biết run sợ với ngoại xâm. Không một thể chế nào khiếp nhược với quân xâm lược.

Lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm đã trải dài hàng nghìn năm nay ở mảnh đất này.

Một khi bờ cõi bị xâm lăng thì muôn người như một, sẵn sàng hi sinh tài sản, tính mạng của mình để bảo vệ non sông, đất nước.

Tại kỳ họp 11, Quốc hội XIII này, nhiều ĐB đã lên tiếng yêu cầu có biện pháp mạnh mẽ.

Tại Berlin, ngày 9/4, nhiều người Việt tại CHLB Đức đã biểu tình phản đối các hành động phi pháp, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý của các hãng truyền thông lớn tại Đức.

Trước đó ít ngày, kiều bào ta ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng xuống đường biểu tình phản đối hành động này của Trung Quốc.

Ngay ngày hôm qua (11/4), các ngoại trưởng của nhóm G7 cũng đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động khiêu khích ở Biển Đông và Hoa Đông, nơi Trung Quốc có các tranh chấp chủ quyền với một loạt quốc gia trong đó có Philippines, Việt Nam và Nhật Bản.

“Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động khiêu khích đơn phương hay ép buộc, hăm dọa nào, vốn có thể thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng”, Reuters dẫn tuyên bố của các ngoại trưởng G7.

Với dân tộc Việt Nam, Trung Quốc cần đọc lại những áng hùng văn trong lịch sử, từ Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với “Nửa dêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” đến Quang Trung Nguyễn Huệ “Đánh cho biết nước Nam ta có chủ”...

Những kẻ bán nước, hại dân như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống sẽ mãi mãi chịu sự nguyền rủa của cả non sông.

Vì thế, Trung Quốc phải “chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông" như yêu cầu Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Còn nếu với “bài toán thăm dò”, hãy nhớ lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của người Việt Nam không có lúc nào cần “thăm dò” hay “phép thử”.

Bùi Hoàng Tám