Tên các chị, các anh “đã thành tên đất nước”!

(Dân trí) - Chúng tôi, những người đang sống hôm nay và cả con cháu chúng ta sẽ tiếp tục công việc trả lại tên cho các anh, các chị, những người tên tuổi “đã thành tên đất nước” như lời một bài hát.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chỉ ít ngày nữa, đất nước sẽ bước vào năm mới với một không khí tưng bừng, rạo rực. Những người con một năm đi xa đang háo hức trở về với mái ấm của mình sau tháng ngày bươn chải.

Thật xúc động khi cùng thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trao kết quả ADN xác định danh tính của 94 liệt sĩ cho gia đình, thân nhân liệt sĩ. Các anh, các chị đã được được chính thức nhận lại tên tuổi của mình. Thế là từ nay, hương hồn các chị, các anh không còn phải lang thang trong cõi vô định nơi đất khách, quê người mà được trở về với căn nhà của chính mình sau bao năm phiêu bạt.

Theo báo Đại Đoàn Kết, con số 94 liệt sĩ đã được xác định trao kết quả cho thân nhân lần này là các liệt sĩ thuộc quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự hy sinh tại Mặt trận 31, thuộc khu vực cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào).

Đây là lần thứ 3 Bộ LĐTB&XH trao kết quả ADN xác định danh tính liệt sĩ trong hơn 1.800 liệt sĩ đã lấy mẫu. Điều đó có nghĩa, niềm vui sẽ tiếp tục đến với thân nhân liệt sĩ trong thời gian tới đây.

Nhưng cũng xót xa thay, vẫn theo bài báo, chiến tranh đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn đó nhiều lắm những nỗi đau. Hơn 1 triệu hài cốt liệt sĩ đã được quy tập tại hơn 3.077 nghĩa trang trên toàn quốc, nhưng trong số đó vẫn có hơn 300.000 liệt sĩ chưa xác lập được danh tính.

Ngoài ra cả nước vẫn còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Những ngày lễ, Tết này, khi nhà nhà hương khói hướng về ông bà, tổ tiên, những người đã khuất thì cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn với nhiều người còn sống, khi không biết nơi mộ của người thân là các liệt sĩ còn ở nơi nào. Họ đều phải mang cái tên Liệt sĩ vô danh. Lại nữa còn không ít hài cốt liệt sĩ còn ẩn khuất đâu đây, nơi sườn đồi, ven suối, nơi rừng sâu, núi thẳm, và linh hồn các anh có thể chưa được về bên tổ tiên…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn đó. Vẫn còn nhiều lắm những người vợ tựa cửa chờ chồng, những đứa con khắc khoải chờ cha và cả những người mẹ sắp gần đất xa trời vẫn không nguôi mong đợi.

Các chị, các anh đã không được trở về quê hương, để linh hồn các chị các anh lang thang vô định là sự không thể đành lòng.

Nhưng biết làm sao được bởi những năm sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều, rất nhiều nỗ lực bằng những hành động cụ thể nhằm vơi bớt những nỗi đau, song nhiều khi cũng đành bất lực.

Chiến tranh với tất cả sự tàn khốc của nó đã không cho phép chúng ta làm điều này!

Chiến tranh! Có lẽ không có từ nào khủng khiếp hơn hai từ này bởi ở đó là chết chóc, là máu chảy, đầu rơi, là hoang tàn đổ nát…

Càng cay đắng hơn khi có những kẻ táng tận lương tâm đã lợi dụng chiến tranh, lợi dụng tình cảm thiêng liêng để bày đặt những trò lừa đảo nhằm kiếm danh, kiếm lợi.

Họ không từ thủ đoạn đê tiện nào, kể cả dùng xương lợn, xương chó để làm giả hài cốt các anh hùng liệt sĩ.

Nghĩ đến điều đó, đã không thể kìm nổi sự căm phẫn…

Một mùa xuân mới đã về, xin được tạ lỗi cùng linh hồn các anh hùng, liệt sĩ linh hồn vẫn lang thang vô định . Chúng tôi, những người đang sống hôm nay và cả con cháu chúng ta sẽ tiếp tục công việc trả lại tên cho các anh, các chị, những người tên tuổi “đã thành tên đất nước” như lời một bài hát.

Bùi Hoàng Tám