Tàu Kilo – Hiển hách hào khí Bạch Đằng!

(Dân trí) - Ngày 3/4/2014 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử Hải quân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam bởi đây là lần đầu tiên, quân đội của chúng ta có tàu ngầm mà đó lại là một trong những loại tàu ngầm hiện đại nhất thế giới hiện nay.

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thăm tàu Kilo Hà Nội)

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thăm tàu Kilo Hà Nội)
 
Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của riêng lực lượng vũ trang mà còn là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Từ nay, chúng ta đã có những phương tiện hiện đại nhất để bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và trong tương lai gần, Hải quân Việt Nam còn được trang bị thêm 4 chiếc nữa, nâng tổng số tàu ngầm hiện đại Kilo lên đến con số 6 và có lẽ sẽ không dừng ở đó.
 
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam là loại tàu hiện đại có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm; tàu khu trục, hộ vệ; tàu hậu cần, bổ trợ; tàu trinh sát kỹ thuật, đo đạc âm hưởng… của hải quân đối phương; tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch trên mặt đất hoặc hỗ trợ lực lượng đánh chiếm, tái chiếm đảo.
 
Để có những vũ khí tối tân, hiện đại này, chúng ta đã phải chi hàng tỉ USD cho việc mua tàu, xây dựng bến đỗ cộng với mỗi năm nhiều triệu USD cho việc bảo trì, bảo dưỡng…
 
Đây là số tiền không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta lúc này. Với số tiền đó, chúng ta có thể xây được hàng trăm trường học, bệnh viện, cầu cống… hay đầu tư cho việc phát triển kinh tế.
 
Thế nhưng toàn dân ta đều đồng lòng gác lại tất cả những nhu cầu trên để dành cho việc trang bị vũ khí. Hiếm có việc mua sắm nào lại nhận được sự đồng tình cao độ như việc mua tàu Kilo vừa qua bởi một điều đơn giản, nó phải có để bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc thân yêu. 
 
Trong diễn văn đọc tại buổi lễ thượng cờ và chính thức phiên chế hai tàu ngầm mang tên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào lực lượng Hải quân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói:
 
“Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước, cải thiện đời sống, chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng hòa bình không thể chỉ khát khao mong muốn mà có, chúng ta phải mạnh lên về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn. Chỉ có như vậy chúng ta mới giữ vững được hòa bình, mới bảo vệ được vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
 
Phải chính quy hiện đại hải quân, không quân, tên lửa và các lực lượng quan trọng khác, để quân đội nhân dân và công an nhân dân của chúng ta có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hòa bình, trong phòng thủ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống”.
 
Thủ tướng còn khẳng định lập trường trước sau như một của đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. “Chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”. Thủ tướng nói.
 
Những lời nói của Thủ tướng chính là ý chí, là nguyện vọng, là tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
 
Với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, lịch sử dân tộc đã và mãi mãi khẳng định Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình, khao khát hòa bình, song cũng không sợ chiến tranh. Mỗi người Việt Nam sẵn sàng hi sinh cả tài sản và tính mạng của mình để bảo vệ sự vẹn toàn Tổ quốc. Nói cách khác, để bảo vệ Tổ quốc, mỗi người dân sẵn sàng hi sinh từ bát gạo cuối cùng đến giọt máu cuối cùng.
 
Dân tộc Việt Nam thà hi sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
 
Đó là truyền thống yêu nước, là tinh thần bất khuất như ngọn lửa âm thầm cháy trong huyết quản mỗi người dân Việt Nam mà mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì ngọn lửa đó lại bùng lên mãnh liệt để thiêu đốt bè lũ bán nước và cướp nước.
 
Trước đây, chỉ với giáo mác, gậy gộc, chúng ta đã từng khiến cho bao nhiêu kẻ thù hùng mạnh gấp nhiều lần phải khuất phục. Hào khí của Đống Đa, Chi Lăng, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, Hà Nội 12 ngày đêm sẽ còn vang vọng đến ngàn sau.
 
Giờ đây, tinh thần bất khuất của dân tộc cùng với những phương tiện hiện đại sẽ đủ sức chống lại mọi âm mưu xâm lược của bất cứ kẻ thù nào muốn xâm lấn bờ cõi biên cương.
 
Đã thức dậy một tinh thần của Trần Khánh Dư, Yết Kiêu và hào khí Bạch Đằng với vế đối nổi tiếng của Sứ thần Giang Văn Minh “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” – Tạm dịch: “Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ”.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!