Tăng phạt để môi trường sạch, tăng gì để môi trường an toàn?
(Dân trí) - Những ngày đầu của năm Đinh Dậu, thông tin từ bộ Y tế đã cho biết, theo thống kê của hệ thống y tế cơ sở, trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trên toàn quốc là 4.474 trường hợp. Trong số này có 20 trường hợp tử vong.
Chỉ riêng trong 3 ngày (từ 30 đến mồng 2 tết), các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận trên 2.200 người vào viện do đánh nhau, trong đó có 990 người phải nhập viện điều trị nội trú, trên 260 người bị thương tích nặng dẫn đến 14 người bị tử vong. Tính ra, trung bình mỗi ngày tết vừa qua có tới 700-800 người nhập viện do đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nhau.
Trước đó, ngày 28 Tết, một thương binh hạng 2/4, bị cụt một chân khi lái xe ba gác gây va quệt làm xước sơn một chiếc ô tô ở địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã bị chủ xe và một số thanh niên đuổi theo đánh hội đồng một cách dã man trước sự chứng kiến của nhiều người.
Chưa kể tới những câu chuyện trước đó nữa, xảy ra vào nửa cuối năm 2016, nữ tiếp viên hàng không bị tát trong khi làm nhiệm vụ hay cựu giáo viên đại học bách khoa, một tiến sĩ, trong khi đi thể dục va chạm giao thông với một cô gái và bị chồng cô này đánh đến mức phải nhập viện.
Không khó để bắt gặp cảnh sừng sộ ở ngoài đường, những nơi tụ tập đông người như lễ hội, quán xá… Chỉ vì đôi ba câu nói trong tiệc rượu, một cái va quệt đụng chạm hay vài bước chân hơn thua trên đường… người ta cũng có thể lao đâm chém hoặc đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Những kẻ du thủ du thực đã đành, có người được học hành tử tế, là cán bộ viên chức nhà nước… cũng hành xử theo kiểu lưu manh, côn đồ, xã hội đen.
Vì đâu con người bỗng trở nên hung dữ, mất kiểm soát đến như vậy?
Cái Tôi không giới hạn, ý thức lợi ích cá nhân là “bất khả xâm phạm”, tâm lý sòng phẳng lạnh lùng đã dẫn đến lối hành xử tàn nhẫn ấy chăng? Hay thói hận thù và đố kỵ; rượu và ma túy, những ẩn ức trước đời sống… đã dẫn đến sự mất kiểm soát ấy?
Phim ảnh, sách vở, mạng xã hội thời mở cửa lan tràn lối sống tha hóa, bạo lực cùng với sự lỏng lẻo, thiếu nghiêm minh của pháp luật đã tạo ra dưỡng khí nuôi sống những mầm mống bạo lực; hay kỹ năng đương đầu với xung đột, kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân mỗi cá nhân đã không được nhà trường, gia đình giáo dục đầy đủ và đạo đức, nhân cách, lòng nhân ái bao dung không được nề nếp, kỷ cương xã hội khích lệ… đã làm nên vấn nạn này?
Dù nguyên nhân đến từ đâu, dù là vì lý do gì thì tính bạo lực, sự mất kiểm soát hành vi của một số thanh niên hiện nay cũng đang gây lo lắng, đe dọa sự bình yên của cuộc sống.
Đâu đó trên thế giới, con người vẫn luôn nhắc nhở nhau: “Tính ích kỷ là nguồn gốc sâu xa của sự độc ác và với những kẻ độc ác thì mọi thứ đều có thể là cái cớ”. Rằng “Cơ hội làm điều ác đến 100 lần trong một ngày còn cơ hội làm việc thiện chỉ đến một lần trong một năm”; “Suốt đời làm việc thiện, điều thiện vẫn không đủ, một ngày làm điều ác thì điều ác đã dư thừa” v.v.
Nhà nước vừa mới tăng mức xử phạt về vệ sinh lên rất cao để giữ cho môi trường sống được sạch sẽ, vậy phải tăng gì để giữ cho môi trường sống được an toàn?
Cát Thụy