Tạm đừng khoe hàng hiệu, siêu xe… Hãy chung tay chống dịch!

(Dân trí) - Điều không mong đợi nhất là sau mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại đón nhận thông tin từ Bộ Y tế, có bao nhiêu ca mới xét nghiệm dương tính với virus Covid-19.

Tạm đừng khoe hàng hiệu, siêu xe… Hãy chung tay chống dịch! - 1

Do Covid-19 siêu lây lan, nên trong trường hợp công tác kiểm soát không kịp thời thì số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên rất nhanh chóng, như từng xảy ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia và nhiều quốc gia khác. Lúc đó, vấn đề nan giải nhất sẽ là cơ sở vật chất, các vật dụng y tế hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật.

Trước khi bắt đầu bài viết này, bản thân người viết phần nào băn khoăn: Vì sao vẫn chưa có những phát ngôn, hành động mang tính kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho “cuộc chiến toàn dân” này? Điều mà chúng ta dễ thấy nhất là khi thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, thậm chí khi có sự cố ở nước ngoài, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi.

Vậy mà, thời gian gần đây, không ít nghệ sĩ lại vướng vào rắc rối như phát ngôn phản cảm về công cuộc chống dịch Covid-19, lại có những người bị phạt hành chính, bị nhắc nhở vì phát tán thông tin sai sự thật. Đó quả là một thực tế rất đáng buồn.

May thay, những thông tin tích cực hơn đã dần xuất hiện. Phải kể đến trước hết là việc ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng 2 người bạn của mình đã khiến người hâm mộ “nức lòng” trước hành động đẹp: Tài trợ tặng thiết bị máy móc cùng phụ kiện tổng thể để thiết lập 3 phòng điều trị cách ly áp lực âm nhập khẩu trọn gói từ Đức cho bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm virus Covid-19 cũng như các trường hợp bệnh nhân cần cách ly khác tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Quảng Ninh.

Toàn bộ nguồn tài chính tài trợ 3 phòng cách ly này do Hà Anh Tuấn và bạn bè chi trả, chi phí tài trợ cho 1 phòng trung bình là 25.000 EUR (tương đương 650 triệu đồng).

Nam ca sĩ chia sẻ rất mộc mạc với báo chí: “Tôi xem đây là việc mình phải làm và quan trọng là có cơ hội đóng góp một chút nỗ lực trong tổng thể công cuộc chống dịch bệnh của đất nước. Lúc thuận lợi hay khó khăn, việc được sống, trải nghiệm và chia sẻ cùng cộng đồng và quê hương đã là một vinh dự”.

Anh cũng khẳng định, sắp tới sẽ cùng bạn bè tiếp tục tiếp cận chủ động đề nghị tài trợ tiếp cho những tỉnh thành khác dựa trên nhu cầu diễn biến thực tế của cơn dịch lần này.

Sau Hà Anh Tuấn, tối ngày 13/3, báo chí cũng xác nhận việc ca sĩ Chi Pu ủng hộ 1 tỷ đồng để chi cho việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và chi phí lắp đặt một phòng cách ly áp lực âm được đặt tại Hà Nội, cùng 5.000 bộ trang phục bảo hộ phòng dịch trang bị cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở nhiều nơi trên cả nước. Toàn bộ nguồn tài chính để thực hiện do nữ ca sĩ đóng góp.

Nghĩa cử của Hà Anh Tuấn và Chi Pu thực sự rất đáng trân trọng và cần lan rộng trong cộng đồng nghệ sĩ Việt, thay vì việc các ngôi sao trẻ thường chỉ chú trọng vào trưng diện hàng hiệu hay khoe khối tài sản kếch xù của bản thân.

Nhìn ra thế giới, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc vào tháng trước, gần 100 nghệ sĩ Hàn Quốc cũng đã quyên tiền và khẩu trang để cùng với đội ngũ y bác sĩ, các chính quyền địa phương phòng chống dịch. Tổng số tiền mà những nghệ sĩ này lên tới hàng triệu USD.

Trong số này có những ngôi sao lớn như diễn viên Lee Min Ho ủng hộ tới 300 triệu won (gần 6 tỷ đồng), ca sĩ IU ủng hộ gần 200 triệu won (gần 4 tỷ đồng) kèm tặng 3.000 bộ quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế… Sau đó, tài tử của bộ phim truyền hình ăn khách “Hạ cánh nơi anh” gần đây là Hyun Bin cũng cũng góp 200 ngàn USD (gần 5 tỷ đồng) để hỗ trợ chống dịch.

Trước đó, ở Trung Quốc đại lục, nhiều ngôi sao Hoa ngữ (đặc biệt là những nghệ sĩ quê ở Vũ Hán) cũng đã rất tích cực trong hoạt động quyên góp. Có thể kể đến Vương Khải với số tiền ủng hộ 2 triệu CNY (khoảng 6,6 tỷ đồng); Chu Nhất Long với 1 triệu CNY (khoảng 3,3 tỷ đồng); Lưu Diệc Phi với 200 nghìn CNY…

Có thể nói, hoạt động quyên góp, ủng hộ của các nghệ sĩ tên tuổi, và đương nhiên là cả các doanh nghiệp, doanh nhân lớn… ảnh hưởng rất lớn đến hành động của cộng đồng.

Ở nước ta, dù việc kiểm soát dịch đã được tiến hành tốt, song có một thực tế là, điều kiện chăm sóc y tế của chúng ta vẫn còn hạn chế lắm. Ngay như tại Italia - một quốc gia phát triển mà các y bác sĩ nước này vẫn phải đối mặt với lựa chọn đầy đau đớn là cứu ai hay bỏ lại ai khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh và quá tải.

Nước ta hãy còn nghèo. Hãy chung tay với các y bác sĩ để không một người bệnh nào bị bỏ lại phía sau!

Bích Diệp