Tại sao sự nghiệp “trồng người” ở ta cứ luẩn quẩn như “gà mắc tóc”?
(Dân trí) - Nhưng có một chuyện thì lạ, đó là tại kỳ thi tuyển sinh năm nay ở một số trường sư phạm, chỉ cần đạt 10 điểm (hơn 3 điểm/môn) là trúng tuyển. Chao ôi! Chẳng hiểu sao cái sự nghiệp “trăm năm trồng người” ở ta cứ luẩn quẩn như “gà mắc tóc”!
Chuyện cô giáo mầm non viết đơn xin nghỉ việc xôn xao dư luận những ngày qua.
“Vì nhà em không có điều kiện cho lắm nên học xong ra trường cũng chỉ muốn giúp đỡ được mẹ phần nào. Mà lương như thế thật sự là muốn giúp mẹ cũng không được, hồi mới đi làm em còn phải xin tiền mẹ nữa.
Em gái em thì còn nhỏ tuổi, em cứ làm giáo viên sợ sau này em em lớn rồi, khi đó em lại có chồng con nữa sợ không đủ tiền trang trải nuôi em gái ăn học. Lương em còn đỡ, có các bạn làm hợp đồng lương tháng có hơn 2-3 triệu/tháng thì càng khó. Bọn em biết phải làm sao?". Cô giáo tâm sự.
Thật ra, việc làm hay nghỉ của một người lao động là chuyện bình thường, rất bình thường bởi Luật lao động cho phép.
Về cá nhân, có thế có hàng trăm, hàng ngàn nguyên nhân, thậm chí chỉ vì những lý do rất… vớ vẩn, kiểu không muốn ngồi làm việc bên cạnh một người mắc bệnh nói nhiều chẳng hạn. Cũng có thể, là một phút bất đồng với người phụ trách hay bạn cùng nghề…
Lý do của cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (giáo viên Trường mầm mon Pác Miau, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) quyết định xin nghỉ việc sau một năm theo nghề dù đã thi đỗ viên chức với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng là không đủ sống và phụ giúp gia đình. Vì thế, cô xin nghỉ ra làm kinh doanh.
Đây là lý do rất chính đáng và không có gì “đặc biệt” bởi con người ta đi làm, việc quan trọng nhiều khi hơn cả lý tưởng, niềm đam mê là thu nhập. Đã không ít người vì đam mê bỏ qua yếu tố thu nhập nhưng cũng không ít người chạy theo thu nhập, bỏ niềm đam mê. Song, con người ta, dù là ai thì nhu cầu vật chất cũng mang tính quyết định.
Vì sao chuyện một cô giáo bỏ nghề lại gây xôn xao dư luận như vậy? Có lẽ mấu chốt ở chỗ, là chính sách, chế độ đối với giáo viên nói riêng, với cô gáo mầm non nói chung, đặc biệt là giáo viên miền núi.
Cách đây mấy hôm, Blog Dân trí đã phản ánh về tình trạng nghèo khổ ở một số làng bản vùng sâu, vùng xa, nơi học trò nhìn thấy thầy cô là chạy trốn vì… không muốn đến lớp.
Câu chuyện này cũng không lạ, nhưng tòa soạn đã nhận được hàng trăm ý kiến (comment) gửi về.
Nhưng có một chuyện thì lạ, đó là tại kỳ thi tuyển sinh năm nay ở một số trường sư phạm, chỉ cần đạt 10 điểm (hơn 3 điểm/môn) là trúng tuyển.
Chao ôi! Chẳng hiểu sao cái sự nghiệp “trăm năm trồng người” ở ta cứ luẩn quẩn như “gà mắc tóc”!
Trở lại với việc cô giáo Hoàng Kim Anh, biết nói gì bây giờ ngoài lời chúc cô thành công và may mắn!
Bùi Hoàng Tám