Tại sao các Chủ tịch tỉnh không tham gia trả lời chất vấn?
(Dân trí) - Có thể nói trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn và trả lời chất vấn luôn được cử tri quan tâm. Nhìn lại nhiều năm qua, đã có sự tiến bộ rất lớn về chất lượng của cả hai phía, chất vấn và trả lời chất vấn.
Giờ đây, ít thấy xuất hiện những câu hỏi hời hợt, hỏi cho có, nặng về giao đãi, khen ngợi… và cả kiểu “bơm bóng” mà khá phổ biến là những câu hỏi mang tính chất vấn, tranh luận, thậm chí nhiều khi quyết liệt.
Chất lượng chất vấn cũng nâng cao rõ rệt. Các câu hỏi đặt ra sát thực tế. Những câu hỏi mang tầm vĩ mô xuất hiện ngày càng nhiều. Các đại biểu đã tỏ rõ khả năng nắm bắt đúng những vấn đề được cử tri quan tâm.
Về phía trả lời chất vấn, nhìn chung các thành viên Chính phủ đều nắm chắc lĩnh vực mình phụ trách. Hầu hết các câu hỏi được trả lời thỏa đáng. Việc tranh luận ngay tại nghị trường thể hiện tinh thần đối thoại minh bạch. Không còn tình trạng trả lời “câu giờ” hay “khoe” thành tích...
Tuy nhiên, việc chất vấn và trả lời chất vấn vẫn rất cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể của đời sống xã hội đã hoặc đang xảy ra ngay tại thời điểm hiện tại.
Muốn vậy, theo người viết bài này, cần phải mở rộng thành phần trả lời chất vấn mà cụ thể là lãnh đạo các địa phương.
Xin đơn cử như một vấn đề đang được Quốc hội quan tâm là các dự án nhà máy điện.
Tất nhiên, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương nhưng sự chậm trễ có lẽ còn có trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trong khâu đền bù và giải phóng mặt bằng chẳng hạn?
Gần đây nhất là vụ cháy Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông gây ô nhiễm.
Trách nhiệm này thuộc về doanh nghiệp và Thành phố Hà Nội trong việc phòng cháy, chữa cháy… và xử lý hậu quả. Bởi đây là nhà máy thuộc quản lý của Hà Nội, nằm trên đất Hà Nội. Việc Bộ Tài nguyên Môi trường tham gia hoàn toàn có thể bị coi là chồng chéo, lấn sân.
Vụ Công ty nước sạch Sông Đà vừa qua cũng tương tự. Dự án thuộc Hà Nội. Khách hàng là người dân Hà Nội. Trách nhiệm quản lý doanh nghiệp thuộc UBND Hà Nội… nên không thể chỉ “bổ” cho ông Bộ trưởng Xây dựng.
Việc ngư dân Việt Nam vi phạm trong đánh bắt trên biển, không thể chỉ “truy” ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mà phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND địa phương quản lý các doanh nghiệp này.
Vì vậy, để phát huy hiệu quả, đề nghị các phiên chất vấn nên có sự tham gia của một số lãnh đạo địa phương liên quan, cụ thể là các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Lý do là càng ngày, sự phân công, phân cấp càng rất cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương và địa phương. Trong đó, các bộ, ngành và Quốc hội tập trung cho việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật cũng như chiến lược phát triển và công tác qui hoạch. Việc tổ chức thực hiện thuộc chức năng, nhiệm vụ địa phương.
Thế nhưng nhiều năm qua, việc trả lời chất vấn thường chỉ quan tâm đến các thành viên Chính phủ ở cấp Trung ương mà hầu như chưa thấy vai trò của lãnh đạo địa phương mà cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
“Quan thì xa, bản nha thì gần”. Hơn ai hết, chính các vị lãnh đạo địa phương là những người thấu hiểu công việc nhất, cả khó khăn và thuận lợi.
Vì vậy theo tôi, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cần có tiếng nói từ lãnh đạo các địa phương cùng tham gia giải trình và tìm biện pháp thực hiện. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa chính sách và tổ chức thực hiện thì mới mong đem lại hiệu quả cao nhất.
Cùng trong "ngôi nhà Chính phủ" (Chủ tịch UBND tỉnh do Thủ tướng Bổ nhiệm), khi “nhà có việc”, không nên để lãnh đạo các địa phương… “như người ngoài cuộc”.
Bùi Hoàng Tám