Tài sản tẩu tán, bị can “cao chạy…” chưa thể gọi là thành công trọn vẹn!

(Dân trí) - Với một vụ tham nhũng, nếu không thu hồi được tài sản thì mới chỉ “thành công một nửa”. Với các bị can, khi khởi tố thì họ đã “cao chạy, xa bay” thì chưa phải là một thành công trọn vẹn...

Tài sản tẩu tán, bị can “cao chạy…” chưa thể gọi là thành công trọn vẹn! - 1

Có thể nói, cho đến thời điểm này, dù những người bi quan, thậm chí thiếu thiện chí cũng không thể phủ nhận quyết tâm chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng của Việt Nam ta.

Hiệu quả nó mang lại, dù chưa có những con số cụ thể, song, dễ nhận thấy tình trạng tha hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên đã giảm rõ nét.

Bằng chứng, tình trạng khinh dân, coi thường dân, coi mình “như những ông vua con” ở một số nơi đã giảm rõ rệt.

Nhiều ý kiến của người dân qua báo chí truyền thông và cả mạng xã hội đã được lắng nghe, tôn trọng. Nhiều vụ việc bên bờ vực “chìm xuồng” đã tiếp tục được xử lý…

Các vụ án đã, đang và sẽ được đưa ra xét xử chủ yếu là từ những nhiệm kỳ trước, ít thấy ở nhiệm kỳ này là biểu hiện cho thấy hiện tượng tham nhũng gần đây đang từng bước được ngăn chặn…

Đây là những tín hiệu đáng khích lệ. Song, hiện vẫn còn hai câu hỏi khá nhức nhối.

Thứ nhất, dù số tài sản thất thoát trong các vụ án thu hồi được đã tăng đáng kể so với trước đây nhưng so với số tài sản bị mất thì số thu hồi được vẫn còn quá nhỏ.

Không ít vụ việc khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tài sản đã bị tẩu tán từ trước đó lâu rồi.

Thứ hai, xuất hiện hiện tượng các đối tượng có chức, có quyền bị khởi tố trốn ra nước ngoài đang có xu hướng gia tăng.

Công bằng nhìn lại, tuy hầu hết các đối tượng bỏ trốn đều bị bắt trở lại, song cũng phải tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước cũng như công tác ngoại giao.

Ngay lúc này đây, lực lượng An ninh Việt Nam đang phải rất nỗ lực để truy bắt hai bị can: Ông Bùi Quang Huy (vụ án Nhật Cường) và cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (vụ án tại Bộ Công Thương).

Vì sao lại có hiện tượng này?

Câu hỏi có thể có nhiều câu trả lời, song theo tôi, có hai kẽ hở khiến đối tượng có thể lợi dụng.

Thứ nhất, đó là việc xử lý cán bộ có chức, có quyền còn khá phức tạp.

Ví dụ như trước khi bị khởi tố, trong các kết luận về xử lý kỉ luật thường có các cụm từ chỉ mức độ như “có sai phạm”, “sai phạm nghiêm trọng”, “sai phạm đặc biệt nghiêm trọng”…

Trong đó, các mức độ như “sai phạm” hay “sai phạm nghiêm trọng”, có thể chỉ bị kỉ luật nặng. Thế nhưng nếu là “đặc biệt nghiêm trọng” thì thường sẽ không thoát khỏi khởi tố.

Các đối tượng vi phạm chỉ cần đọc những kết luận này là có thể “định đoán” số phận của mình để “tùy cơ, ứng biến”.

Thứ hai, không loại trừ có sự sơ hở từ trong khâu điều tra mà vụ Dương Chí Dũng là một điển hình.

Về vấn đề này, trả lời PV báo Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) cho rằng, các cơ quan liên quan phải ngồi lại, sớm tìm ra nguyên nhân, bịt kẽ hở để không xảy ra các trường hợp tương tự và “liệu có ai tiếp tay, chống lưng cho các đối tượng bỏ trốn không?”…

Đây chỉ là ý kiến nhỏ của một người “ngoại đạo”. Tất nhiên, sẽ còn nhiều lý do nữa mà chắc chắn các cán bộ trong ngành biết rõ.

Cũng biết rằng còn có những “rào cản” từ pháp lý, ví dụ như về nguyên tắc, một người chưa bị khởi tố thì không thể bắt giữ hay cấm họ đi khỏi nơi cư trú, thậm chí xuất ngoại chẳng hạn…

Thế nhưng nói gì thì nói, vẫn phải là kết quả cuối cùng.

Với một vụ tham nhũng, nếu không thu hồi được tài sản thì mới chỉ “thành công một nửa” như lời của Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Với các bị can, khi bị khởi tố thì họ đã "cân đẩu vân", “cao chạy, xa bay”, "bóng chim, tăm cá" để rồi phải tốn công, tốn của để điệu về thì cũng chưa phải là một thành công trọn vẹn.

Bùi Hoàng Tám