“Tại” cái… “chức”!
(Dân trí) - Ban chiều, khi mình đang trong tình trạng vô thức (tức là… ngủ í mà) thì chuông điện thoại reo. Mắt nhắm mắt mở, thấy số quen quen, mình đã hoảng hồn. Sếp gọi điện thoại vào giờ này có việc gì nhỉ?
Mình chưa kịp a lô thì đã thấy giọng sếp khá căng: Bạn đọc đang bàn tán xôn xao chuyện tại chức, chuyên tu mà ông không có ý kiến gì à?
Chưa kịp tường trình, sếp đã tắt máy.
Thật ra, cái đề tài này không mới. Nó đã từng rộ lên từ khi TP. Đà Nẵng có chủ trương không nhận người có bằng tại chức. Chuyện tưởng đã êm êm, giờ lại ầm ĩ. Chỉ có điều sao sếp lại giao cho mình nhỉ? Hay là sếp biết mình cử nhân tại chức nên làm khó mình chăng? Sếp ơi, sao sếp nỡ bắt tội em thế. Em mà khen là em nói dối. Em mà chê thì bạn bè cùng khóa nó tuốt xác em ra.
Cứu! Cứu! Cứu!
Cấp cứu 05 không cấp cứu trường hợp này!
Thôi, đành nhấc mấy gọi cho bạn bè vậy.
Người đầu tiên mình gọi là một cô bạn đồng nghiệp. Cô nàng cười phá lên như bị “ma làm”:
“Ôi giời, lý do nhỏ như con thỏ. Lớp em ngày xưa có hai cậu bạn rất thân nhau. Môt cậu học cực giỏi còn cậu kia thì cực… không giỏi. Thôi, em cứ gọi cậu giỏi là G còn cậu không giỏi là D nhé (viết tắt thôi không họ tự ái). Kỳ thi đại học năm đó, G thừa 3 điểm nghênh ngang vào giảng đường. D thiếu có… 13 điểm xin vào cơ quan bố làm nhân viên. Làm việc được khoảng một năm, D được cử đi học tại chức. Hai năm sau, nhờ có sự nâng đỡ của “sếp bố”, D được đề bạt phó trưởng phòng rồi năm sau lên chức trưởng phòng.
Trong khi đó, G sau 4 năm mài dùi kinh sử, khi ra trường được nhận tấm bằng giỏi. Nhưng than ôi, sự đời không chiều lòng người. Cầm tấm bằng đỏ trong tay, G vạ vật hết nơi này đến nơi khác mà vẫn “không chốn nương thân”. Cuối cùng, sức chịu đựng có hạn, bèn mang lá đơn đến nhờ D vì tình bạn mà nhận vào làm nhân viên cho khỏi phí tháng năm đèn sách. He! Anh thấy chuyện vui không. Nếu anh hỏi em có con đường vào đời nào đẹp nhất, em sẽ không ngần ngại mà rằng “có con đường… tại chức hôm nay”. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó đâu nhé. Để “rửa” hai chữ “tại chức” trong cái bằng đại học, cậu ta đã đi học cao học và bây giờ là chàng… thạc sĩ.”
Chuyện cô bạn kể làm mình trăn trở.
Những chuyện như trên không nhiều nhưng cũng không hiếm. Cái cười diễu cợt của cô bạn kia không phải không có lý. Nhưng cũng nên có sự công bằng với những tấm bằng “made in tại chức”.
Trước hết, chủ trương mở hệ tại chức là đúng. Nó không chỉ thỏa mãn quyền được học hành như quy định trong Luật giáo dục mà còn đáp ứng nguyện vọng học tập suốt đời của mỗi công dân. Nhất là với điều kiện nước ta, trong 2 cuộc chiến tranh, đã có không ít thanh niên ưu tú phải từ bỏ giảng đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Thứ hai, mô hình đào tạo tại chức đã mang lại những hiệu quả to lớn mà trong đó, hàng ngàn nhà khoa học cùng với hàng vạn cán bộ kỹ thuật đã trưởng thành nhờ phương pháp đào tạo này.
Bùi Hoàng Tám