“Tắc trách, ấu trĩ và ghê rợn!”
(Dân trí) - Mình đã phải thốt lên như vậy trước những sai sót không thể hiểu nổi trong hai cuốn được coi như là sách giáo khoa dành cho lớp MỘT. Đó là cuốn vở luyện tập Tiếng Việt 1 của NXB Đà Nẵng và Phép cộng trừ phạm vi 100 mang logo của NXB Trẻ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đối với cuốn luyện tập Tiếng Việt của NXB Đà Nẵng, nói như báo chí là “các phụ huynh phát hoảng” khi thấy những lỗi rất ấu trĩ, sơ đẳng trong cuốn sách này. Đó là sự nhầm lẫn giữa chữ “d” và chữ “gi”, chữ “n” và chữ “l”. Trong câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, chữ “giỗ Tổ” đã biến thành chữ “dỗ Tổ”. Nói nôm na, chữ “giỗ chạp tổ tiên” bị biến thành “dỗ em… khóc nhè”.
Nghiêm trọng hơn, tác giả là người “mắc bệnh”… ngọng giữa “n” và “l”, biến “cây nêu” thành “cây lêu”. Càng ngạc nhiên hơn, theo như báo chí, tác giả của nó - bà Đặng Thị Lanh từng giảng dạy ở ĐHSP Hà Nội, sau đó chuyển sang Bộ GD&ĐT, trước khi nghỉ hưu giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Chao ôi, không biết là cuốn sách này được làm khi bà Vụ phó đã về hưu hay đương chức? Lạy giời (trời) cho khi đó bà đã nghỉ chứ nếu đương nhiệm, có lẽ chương trình xóa ngọng cho giáo viên tiểu học của Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chủ trương có lẽ phải mở rộng lên đến hàng ngũ… quan chức của Bộ và cũng không dừng ở… cấp tiểu học!!!
Nếu cuốn sách của NXB Đà Nẵng nói trên là do sự tắc trách + ấu trĩ thì một ví dụ và hình ảnh minh họa ở trang 11 trong cuốn sách Phép cộng trừ phạm vi 100 được dán logo của NXB Trẻ là phép cộng của dốt nát và ghê rợn:
"Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay".
Thật tình, mình không hiểu và có lẽ không bao giờ hiểu nổi tại sao lại có cái ví dụ ác độc đến thế? Nhất là với văn hóa người Việt, mỗi khi nhắc đến trẻ em, dù là lời khen thì người nói bao giờ cũng phải “đề từ” bằng hai chữ: “trộm vía…”. Nếu không, sẽ bị “phỉ phui cái mồm” ngay lập tức.
Rồi mình tự hỏi, tại sao người biên soạn không lấy ví dụ khác nhỉ? Ví như “Óc người biên soạn nặng 900 gam, bằng óc một… con bò (ví dụ thế). Do bị tai nạn ô tô, óc người biên soạn bị cắt bỏ 200gam. Hỏi hiện nay, óc con bò nặng hơn óc người biên soạn bao nhiêu gam?”. Ví dụ thế!!!
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trường - đại diện chi nhánh NXB Thanh niên tại TP.HCM cho rằng quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 có thể là sách in lậu. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cũng cho biết nếu cần thiết, sẽ kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Mong sao đây chỉ là những sách in lậu, không phải là sản phẩm của một cơ quan xuất bản có uy tín như NXB Trẻ.
Tuy nhiên, dù cuốn sách đó là hàng lậu hay là hàng “chính hiệu” thì việc để một tác phẩm ghê rợn, phá hoại thuần phong mĩ tục lưu hành trong xã hội nhiều năm qua là điều không thể chấp nhận. Chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa, những người ăn lương từ tiền thuế của dân ở đâu và họ đã làm việc như thế nào?
Mình có tính xấu mỗi khi động chạm đến các vấn đề về trẻ em là thường không giữ được bình tĩnh. Liệu trong trường hợp này, bạn có thấy mình mất bình tĩnh, quá lời không hay nói cách khác, bạn có bức xúc như mình không?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!