Suy nghĩ từ một nhận xét của ông Lê Đăng Doanh

(Dân trí) - Tại một hội thảo kinh tế năm 2017, một chuyên gia kinh tế trong nước có vận dụng một câu của một Bộ trưởng Tài chính Pháp từ thế kỷ XVII: "“Nghệ thuật đánh thuế cũng giống như vặt lông ngỗng, sao cho thu được nhiều lông nhất mà tiếng kêu nhỏ nhất có thể”.

Suy nghĩ từ một nhận xét của ông Lê Đăng Doanh - 1

Vị chuyên gia nói: “Thu thuế như vặt lông vịt, nhưng vặt làm sao cho sạch và đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”. Điều không may cho chuyên gia kinh tế trên, nhiều người lại nhắc đến câu của ông nhân việc Bộ Tài chính vừa mới đề xuất thu thuế tài sản.

Tất nhiên là chuyên gia kinh tế chỉ muốn nói về phương pháp luận nhưng nhiều người dân đến thời điểm này khi nhắc lại câu nói trên của ông vẫn còn giận dữ vì cho rằng, hàm ý của câu nói đó, khác gì coi dân như... vịt. Có lẽ, vị chuyên gia kinh tế không có lỗi. Ông chỉ có "quên" trích dẫn đầy đủ nguồn gốc của câu nói đó thôi.

Nhưng cho đến dự thảo chính sách thu thuế với tài sản nhà, đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên với mức thuế 0,4% và những tài sản như ô tô, tàu bay, du thuyền nếu trên 1,5 tỷ đồng cũng dự kiến tính thuế 0,3-0,4% % như Dân trí đã đưa tin, thì nhiều người dân thấy hoang mang cao độ, thậm chí có cả sự bức xúc.

Trong rất nhiều ý kiến độc giả gửi tới báo Dân trí bình luận về dự thảo chính sách này, không phải tất cả đều phản đối dự thảo chính sách trên. Cũng có những độc giả hiểu rằng, thuế tài sản là một chính sách mà nhiều nước hiện đang áp dụng và trong xu hướng tăng thu nội địa hiện nay để bù đắp hụt thu từ thuế xuất nhập khẩu, việc áp dụng thêm chính sách thuế đánh trên tài sản là điều đã được dự báo.

Tại một số kỳ họp Quốc hội gần đây, cũng đã có một số đại biểu phát biểu, đề cập đến sự cần thiết của việc ban hành Luật Thuế tài sản. Và việc đưa ra dự thảo luật thuế này là một việc đã được Bộ Tài chính chuẩn bị từ lâu.

Tuy nhiên, phản ứng của đa số người dân trước Dự thảo cũng có thể nói là điều dễ hiểu khi các qui định mới gây sốc nhất định so với những thông tin trước đây về khả năng thu loại thuế này. Cụ thể, trước đây, người ta mới tính đến việc thu thuế tài sản với những người có từ căn nhà, biệt thự thứ 2, thứ 3 trở lên thì việc áp dụng một sắc thuế để điều tiết thu nhập, giảm đầu cơ bất động sản là một lý lẽ dễ được chấp nhận. Và đây cũng là một quy định mà nhiều nước đã áp dụng.

Nhưng thu tới 0,4% với những căn nhà, tài sản đất đai chỉ có giá từ 700 triệu đồng trở lên thì quả thật khó thuyết phục số đông. Bởi hầu hết nhà ở, đất đai ở các thành phố, khu đô thị hiện nay, hiếm có nơi nào có giá dưới 700 triệu, trừ phi đó là nhà ổ chuột. Và ngay cả những nhà ở có giá từ 700 triệu đến 1 hoặc 2 tỷ đồng thì đó là những nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Nếu những hộ gia đình có nhà ở như vậy cũng tiếp tục bị tính thuế nữa, rõ ràng là ban soạn thảo đã quá cứng nhắc.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình là thu thuế tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều người cũng không đồng tình với mức thuế dự kiến của Bộ Tài chính. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Bộ Tài chính áp đặt một mức 700 triệu đồng để tính thuế là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời.

"Người dân đã phải bỏ tiền ra, phải vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn nên họ phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu", ông Doanh nói.

Đặt trong bối cảnh nhiều chính sách thuế khác đồng loạt được điều chỉnh hoặc đang được đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây như đề nghị nâng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên 4000 đồng/lít; thuế giá trị gia tăng dự kiến tăng từ 10% lên 11-12% hiện nay, rồi sự bùng nổ các trạm thu phí BOT với các mức thu "trên giời"... thì càng thấy sự bức xúc của người dân là có cơ sở.

Vẫn biết rằng do Việt Nam đã và đang phải thực thi các cam kết quốc tế khi ký kết các Hiệp định thương mại tự do, phải giảm hàng ngàn dòng thuế xuống 0% thì nguồn thu thuế từ xuất nhập khẩu giảm mạnh, sức ép tăng thu ngân sách, để bù chi ngày càng lớn. Nhưng việc tăng cao, cùng lúc nhiều khoản trong đó có dự thảo chính sách mới về thuế tài sản rõ ràng đang chất gánh nặng ngày càng cao lên lưng người nộp thuế.

Với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Nhưng hiện nay, theo thống kê chính thức, các chính sách thuế đã thu đến khoảng 32% GDP, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh là rất cao so với khuyến nghị của WB. Cho nên việc Bộ Tài chính liên tiếp đưa ra đề xuất chính sách mới với mức thu khá cao như đã nêu gặp phải sự phản ứng rất lớn từ dư luận là điều dễ hiểu.

Nhưng dự thảo chính sách trên may sao vẫn là dự thảo. Mong là Bộ Tài chính sớm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nghe ý kiến đa chiều từ dư luận để có những tính toán, cân nhắc, điều chỉnh hợp lý trước khi trình Chính phủ, đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Để cân bằng ngân sách, nếu chỉ nhăm nhăm thu thuế thôi, rõ ràng là không đủ bởi cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu Chính phủ, Bộ Tài chính quyết liệt hơn về kỷ luật tài chính ngân sách, giảm mạnh chi tiêu công ở rất nhiều khoản còn chưa hợp lý: Mua sắm, sử dụng xe công, hội họp, đi nước ngoài... cùng với việc đẩy mạnh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản... chắc chắn sẽ giảm bớt sức ép phải tăng thu quá cao. Bởi cứ tăng thu, tăng thuế mãi thì người dân phải "la toáng" là điều đương nhiên.

Mạnh Quân