“Sướng” trên tính mạng dân, họ ác quá!
(Dân trí) - Khoảng 8-9 năm trước, người dân tại nhiều địa phương trên cả nước không khỏi hoang mang trước tình trạng liên tục có xe bốc cháy trên đường. Theo các kết quả điều tra từ 1/1/2010 tới 30/8/2012 đã có 337 xe ôtô và 126 xe máy bị cháy.
Đáng chú ý là trong khi có một số nguyên nhân được chỉ ra như sự cố kỹ thuật, sự cố hệ thống điện, tai nạn giao thông, sơ suất… thì vẫn còn tới 131 vụ “chưa rõ nguyên nhân”.
Tháng 4/2012, kết quả điều tra nguyên nhân của 209 trên tổng số 324 vụ cháy xe gây ngạc nhiên vì trong hàng loạt nguyên nhân dẫn đến cháy xe lại không hề nhắc đến yếu tố xăng dầu. Cuối năm 2012, một hội thảo khoa học do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì phối hợp với một số cơ quan chỉ ra, nếu xăng dầu pha chế bằng cách lạm dụng phụ gia thì có thể gây nhiều ảnh hưởng đến động cơ. Song, điều này cũng chỉ là… trong phòng thí nghiệm!
Bẵng đi một thời gian chẳng còn thấy ai còn tò mò đề cập đến câu chuyện này cho dù tình trạng xe đột ngột bốc cháy vẫn tiếp tục đeo bám người dân cho đến tận thời điểm hiện tại (Vì dù sao kết luận cũng đã được đưa ra rồi?!). Chỉ có các chủ xe, những người điều khiển xe mỗi lúc ra đường lại mang theo một nỗi lo, một sự phấp phỏng…
Thế rồi mới đây, một đường dây kinh doanh xăng giả quy mô lên tới 3.000 tỷ đồng bị phá, người ta không khỏi phải rùng mình bởi những con số ngoài sức tưởng tượng.
Hơn 3 triệu lít dung dịch các loại (gồm 2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả; 432.474 lít dung môi chưa pha; 250.000 lít dung dịch...) đã bị công an thu giữ. Các mẫu xăng thu giữ đều cho kết quả giám định không phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam và điều đáng nói là sử dụng xăng này có thể gây hỏng động cơ, dẫn để cháy nổ phương tiện.
Gần 19,5 triệu lít xăng giả đã bị nhóm doanh nghiệp này đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong một thời gian dài, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng. Khoảng 3.000 tỷ đồng đã được các đối tượng chi để mua dung môi (chất trộn làm xăng giả) từ 1/1/2017.
Tuy nhiên, theo như đánh giá của một cán bộ VKSND tỉnh Đắk Nông, đây mới là lời khai ban đầu của những đối tượng sa lưới, cơ quan chức năng phải xem xét số lượng nhập vào, xuất ra và chênh lệch mới ra được lợi nhuận của nhóm trên.
Trước hết, xin chúc mừng và cảm ơn lực lượng công an với chiến công này. Cũng xin chúc mừng chính chúng ta - những người tiêu dùng, đã bớt đi ít nhiều mối lo cháy nổ - chẳng những mất tiền, mất xe mà còn có thể bị mất mạng khi ra đường. Hàng triệu lít xăng giả tuồn ra thị trường, đâu phải là con số nhỏ, thưa quý vị ?!
Thế nhưng, xăng giả, rồi sau này cứ mặt hàng nào giả trên thị trường như thuốc giả, thực phẩm giả v.v… rồi chẳng lẽ dân cũng phải chờ đến khi cơ quan công an vào cuộc phá án hay sao? Chức năng của cơ quan quản lý thị trường, của bộ phận chống gian lận thương mại, của đơn vị kiểm định chất lượng, của các tổ chức liên quan khác ở đâu..?
Tờ Tuổi trẻ 9/6 có thuật lại, bà Vũ Thị Hiếu Đông - giám đốc Sở KHCN tỉnh Sóc Trăng (Sóc Trăng là địa bàn hoạt động của nhiều cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu ông Trịnh Sướng, người vừa bị bắt tạm giam) - khẳng định việc xăng giả không thuộc trách nhiệm của đơn vị. Bà này cho rằng, trách nhiệm xác định xăng dầu giả thuộc Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh. Với thiết bị hiện có, khi kiểm tra các đơn vị của Sở khó phát hiện được xăng dầu giả (?!).
Nghe nói, đến 1 quả trứng còn có 3 bộ quản, 1 con gà “cõng” hơn chục loại phí, thế mà xăng giả, hàng hoá giả “uy hiếp” dân thì không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm? Thật ngao ngán!
Bản thân ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội cũng đặt vấn đề “lợi ích nhóm” trong vụ án này và đề nghị các cơ quan “nhất thiết phải điều tra, làm rõ, không để hiện tượng bao che trong thời gian dài như vậy”.
Xăng dầu giả có ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - chẳng những về kinh tế mà còn liên quan tới tính mạng. Thế nên, thật quá kinh khủng khi người ta bắt tay trục lợi. Không gì hơn ngoài sự tham lam đến ác độc!
Bích Diệp