Sự việc đã không “bình thường”, thưa Bí thư Hậu Giang Trần Công Chánh

(Dân trí) - Không thể không đặt câu hỏi là làm ăn bết bát, thua lỗ trầm trọng, để lại những hậu quả nặng nề như thế, tại sao vị CT HĐQT này lại nằm trong diện cán bộ luân chuyển?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Sự việc không còn “bình thường” và có gì mà “ầm ĩ” như lời phát biểu của ông Trần Công Chánh về việc Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh biến “xe ông” thành “xe công”.

Khi báo chí thông tin việc Phó Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh biến “xe ông” thành… “xe công”, vị Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã phát biểu rất “hồn nhiên” rằng sự việc là bình thường, không có gì mà ầm ĩ. “Tôi thấy việc này là bình thường. Dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ỹ”, ông Chánh nói.

Thế nhưng sự việc không “bình thường” như sự “hồn nhiên” của ông Bí thư Chánh khi mà ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 1200-CV/VPTW gửi tới các cơ quan: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Bộ Công an; Ban cán sự đảng các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Tỉnh uỷ Hậu Giang; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam yêu cầu làm rõ việc này.

Song, sự việc càng không “bình thường” chỉ có thế, dư luận đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh qui trình bổ nhiệm vị Phó Chủ tịch này.

Theo báo điện tử Infonet bài “Phó Chủ tịch đi siêu xe biển xanh từng điều hành PVC bết bát ra sao?” ngày 10/6 cho biết, giai đoạn bắt đầu bết bát của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cũng là thời điểm Tổng Công ty được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh. Bài báo dài hơn 1.000 từ này đã đưa ra rất nhiều các hạng mục thua lỗ toàn con số chục tỉ, trăm tỉ.

Được biết cuối cùng, tổng số tiền thua lỗ lên tới hơn 3.000 tỉ đồng.

Trong bài báo, còn có một đoạn đáng lưu ý: “Năm 2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB - VPCP ngày 25/1/2014 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ, gây khó khăn cho PVN của PVC.

Khi đó, ông Thanh vừa rời ghế Chủ tịch HĐQT PVC được vài tháng và được Bộ Công thương bổ nhiệm làm Trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ này ở Đà Nẵng vào tháng 7/2013, sau đó là Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng thuộc Bộ Công thương. Ngày 13/5, trong một kỳ họp (kỳ họp bất thường thứ 13 khóa VIII - NV), HĐND tỉnh Hậu Giang đã bầu ông Thanh giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016”.

Đọc những thông tin trên, không thể không đặt câu hỏi là làm ăn bết bát, thua lỗ trầm trọng, để lại những hậu quả nặng nề như thế, tại sao vị CT HĐQT này lại nằm trong diện cán bộ luân chuyển?

Có gì “khuất tất” trong việc “bỏ của chạy lấy người” không khi tháng 7/2013, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Trưởng đại diện văn phòng miền Trung (theo xác minh của Dân trí thì ông này làm Phó Văn phòng, phụ trách) của Bộ Công thương thì tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ, gây khó khăn cho PVN của PVC?

Một câu hỏi cũng không thể không đặt ra, đó là với “thành tích” làm ăn bết bát như thế nhưng con đường công danh của ông này lại rất hanh thông, khoáng đạt, liên tục được bổ nhiệm chức vụ ngày càng cao hơn, theo xác minh của Dân trí thì ông này làm Phó Văn phòng Ban cán sự Đảng thuộc Bộ Công thương và sau đó Vụ trưởng, Trưởng ban sắp xếp, đổi mới DN của ngành, tháng 5/2015 được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hậu Giang?

Câu hỏi có lẽ chưa phải cuối cùng, nếu như không có việc biến “xe ông” thành “xe công” thì ở diện cán bộ luân chuyển, con đường công danh của ông Thanh hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục thăng tiến ở những vị trí cao hơn nữa?

Song, nhờ phát hiện của nhân dân và phản ánh kịp thời của báo chí, sự việc đang được “khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận” và “coi đây là việc cần làm ngay” theo tinh thần Công văn 1200-CV/VPTW.

Hi vọng rằng với tinh thần kiên quyết loại bỏ những “ông vua con” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cộng với quyết tâm xây dựng một “Chính phủ liêm chính” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chắc chắn không chỉ việc “xe ông” thành “xe công” mà cả qui trình bổ nhiệm vị Phó Chủ tịch từng một thời làm ăn “bết bát” này sẽ được làm sáng tỏ. Thậm chí, cả những ai “chống lưng” (nếu có) cho việc bổ nhiệm ông này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm, dù đương chức hay về hưu.

Có thể sắp tới, Quốc hội cũng phải xem xét lại tư cách vị đại biểu vừa trúng cử này?

Làm trong sạch đội ngũ cán bộ chính là niềm mong mỏi lớn nhất sau thành công của Đại hội Đảng, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám