Sự trắng trợn, phi lý lại trở thành… có lý?

(Dân trí) - Điều ngạc nhiên là những thí sinh được nâng điểm một cách rất phi lý trên, với kiến thức như vậy nhưng khi nhập trường và quá trình học tập, họ hoàn toàn có thể vẫn hoàn thành, thậm chí có khi ra trường, lại với… tấm bằng giỏi? Và nếu vậy, thì sự trắng trợn đến phi lý lại trở thành… có lý!

m_chay-diem.jpg

 

 

Sao họ có thể đổi trắng, thay đen trắng trợn, phi lý đến như thế? Đó là cảm giác của tôi khi đọc thông tin trên báo Dân trí về vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình.

Bài báo cho biết, sau khi chấm lại, có 64 thí sinh, trong đó 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh của năm 2017 bị thay đổi điểm, tức điểm chấm thẩm định giảm thấp hơn điểm đã công bố.

Có 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm, môn có điểm giảm nhiều nhất là 9,25 điểm. Trong đó, có thí sinh được tăng điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm.

Báo Lao động còn cho biết một con số kinh khủng hơn, tại cuộc kiểm tra ở Hà Giang trước đó, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Đọc những thông tin trên, không khỏi giật mình bởi sao họ dám thay trắng, đổi đen trắng trợn và phi lý đến thế.

Với số điểm này, có thể biến một học sinh dốt nhất lớp, thậm chí nhất trường, nhất tỉnh trở thành thủ khoa của một kỳ thi quốc gia.

Thế nhưng thật ra, nếu nhìn ở góc độ tổng thể, những việc vô lý như thế này lại không lạ. Ví như chuyện một quan chức cao cấp trước khi về hưu bổ nhiệm vài chục cán bộ cấp vụ hoặc tương đương hay một ông giám đốc sở ký nhận hàng chục trường hợp sai qui định chẳng hạn.

Rồi việc mua bán tài sản, mua một tâng giá lên 10, thậm chí 20… lần hay nhập những thiết bị “bãi rác” với giá trên trời vân vân thì việc nâng điểm này cũng chả có gì đáng ngạc nhiên.

Điều ngạc nhiên là ở chỗ, tại sao họ lại có thể trắng trợn đến thế và càng ngạc nhiên hơn, tại sao cơ chế quản lý lại lỏng lẻo để họ có quyền tự tung, tự tác đến như vậy?

Có lẽ trong ba điều ngăn chặn sai phạm, đó là không thể, không dám và không muốn thì điều quan trọng nhất là cơ chế không thể vẫn còn nhiều kẽ hở.

Trở lại với sai phạm ở Hòa Bình, điều ngạc nhiên là những thí sinh được nâng điểm một cách rất phi lý trên, với kiến thức như vậy nhưng khi nhập trường và quá trình học tập, họ hoàn toàn có thể vẫn hoàn thành, thậm chí có khi ra trường, lại với… tấm bằng giỏi?

Và nếu vậy, thì sự trắng trợn đến phi lý lại trở thành… có lý!

 

Bùi Hoàng Tám