Sự “thức tỉnh” từ những nhà phao chống lũ
(Dân trí) - Trời hửng dần, tại một số vùng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ở miền Trung nước đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, phía trước vẫn là những nỗi lo về bão số 8.
Nếu như bão số 8 tiếp tục đổ bộ, không biết rồi người dân nơi đây sẽ phải chống chọi ra sao khi hiện tại còn một số địa phương bị cô lập, nhiều ngôi nhà vẫn chìm trong nước.
Quả là một năm quá khắc nghiệt với dải đất này.
Dẫu vậy, đây là lúc hành động chứ không phải để cảm khái về thời tiết và hoàn cảnh. Vấn đề là làm thế nào đã hỗ trợ người dân sau khi lũ rút, và giúp họ chuẩn bị cho những lần mưa bão, lụt lội tiếp theo.
Thiệt hại về người và của từ cơn “đại hồng thuỷ” năm nay khó mà đong đếm nổi, nhưng cũng để lại rất nhiều bài học về ứng phó với thiên tai.
Bài viết đăng tải sáng ngày 22/10 trên Dân Trí về những nhà phao diệu kỳ cứu người dân vùng rốn lũ Tân Hoà, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có lẽ sẽ “thức tỉnh” không ít địa phương đối với công tác chủ động, chuẩn bị phòng chống lụt bão.
Theo thông tin được từ ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa thì trận lũ mới đây đã gây ngập 706 căn nhà tại địa phương, đặc biệt tại thôn 3 và 4, nhiều điểm đã ngập sâu khoảng 8m, nhấn chìm hoàn toàn nhiều căn nhà dưới nước. Nhờ có gần 540 nhà phao tránh lũ, người dân địa phương vẫn an toàn trước cơn “đại hồng thủy”.
540 nhà phao tránh lũ này vì đâu mà có?
Bài báo này cho biết cách đây hơn 10 năm, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, tài sản xe máy, tivi, tủ lạnh, heo gà, trâu bò vận chuyển không kịp đều bị cuốn theo dòng nước bạc.
Sau trận lũ lịch sử 2010 thì người dân xã Tân Hóa đã làm nhà phao để “sống chung với lũ.” Nhà phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại. Khi nước dâng cao, nhờ các thùng phuy rỗng này mà nhà nổi theo nước.
Tìm hiểu của người viết thì trên qua trang web chính thức của Quỹ Sống thì mô hình nhà phao đã được phát triển từ năm 2014 thông qua chương trình Nhà Chống Lũ.
Đến hết tháng 8/2017, dự án này hoàn thành được 90 căn nhà phao, từ đó bà con đã tự học tập và nhân rộng mô hình với sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác, nâng tổng số nhà phao tại Tân Hóa lên đến 400 căn trên tổng số 678 hộ ở thời điểm tháng 9/2019.
Mô hình này đến nay đã phát huy hiệu quả ứng dụng tuyệt vời của nó qua các đợt lũ lớn và thực trạng tại miền Trung những ngày vừa qua là minh chứng rõ nét nhất.
Có lẽ ở vào thời điểm này, thật khó để chúng ta đặt ra những giả thiết “giá như”: Giá như những vùng bị lũ nặng nề ở miền Trung vừa qua được áp dụng rộng rãi mô hình như phao này, có lẽ thiệt hại đã không lớn như vậy…
Biết làm sao khi cuộc sống luôn chứa đựng những rủi ro mà không ai có thể lường được bản thân sẽ rơi vào nghịch cảnh đó…
Theo như những thông tin đăng tải trên, để làm một căn nhà nổi rộng chừng 15-20m2, bà con đầu tư khoảng 30 đến 35 triệu đồng. Khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8 đến 10 người và còn chứa thêm được các vật dụng thiết yếu và các tài sản quý như tivi, xe máy, lương thực...
Khoản kinh phí 30-35 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình không quá lớn và có lẽ cũng là một gợi ý thiết thực cho các tổ chức, các chương trình từ thiện, hỗ trợ miền Trung. Đồng thời, đây cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm với lãnh đạo các địa phương nơi có rủi ro thường trực về ngập lụt (chứ không riêng gì miền Trung).
Mỗi hộp cơm, gói mì, chai nước… lúc bà con bị cô lập bởi lũ lụt đều quý giá vô cùng. Nước rút đi, tài sản không còn thì điều người dân cần hơn cả là sự động viên về vật chất để tái thiết cuộc sống, trong đó có sửa sang, xây dựng lại nhà cửa đã bị hư hại.
Tình cảm và vật chất của đồng bào các nơi gửi về là vô giá, không thể nào đong đếm nổi. Và giá trị đó sẽ nâng lên bội phần khi sự giúp đỡ, hỗ trợ “đúng” và “trúng”, đi vào trọng tâm. Sau các chương trình “cứu trợ” mang tính cấp bách tình thế thì còn cần cả những chương trình “hỗ trợ” tính đến chiến lược lâu dài.
Nhà phao chống lũ chỉ là một ví dụ để thấy rằng người dân cần nhiều hơn sự sáng tạo, cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo. Và cũng để chúng ta tin rằng, một khi chính quyền các cấp và nhân dân đồng lòng thì sẽ còn có thêm những sáng kiến mới hỗ trợ “khúc ruột miền Trung” đỡ phần nào vất vả, bớt đau thương.