Sự thất bại chua chát của chân lý?
(Dân trí) - Tin cô bé dũng cảm, bản lĩnh Phạm Song Toàn bắt buộc phải chuyển trường đã khiến người viết bài này buồn chua chát. Phải chăng, đây là sự thất bại cay đắng của chân lý, của lẽ phải? Vì sao lại có một kết cục buồn đến thế này?
Có thể nói, việc phản ánh về cô giáo gần 4 tháng im lặng, không giảng bài, không giao lưu trò chuyện tại THPT Long Thới, TP.HCM của Phạm Song Toàn đã thể hiện trọn vẹn tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm.
Hành động của em đáng ra phải được nhiều người, đầu tiên thầy hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo, phòng giáo dục quận huyện, Sở GD&ĐT Thành phố HCM và cả ngành giáo dục phải cảm ơn vì sự trung thực, tinh thần trách nhiệm bởi em đã dũng cảm nói lên sự thật.
Các bạn cùng trường lớp phải cảm ơn em vì đã đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.
Thế nhưng chua chát thay, em đã buộc phải chuyển trường, Lãnh đạo Thành phố không còn cách nào khác, phải ra tay “giải cứu” cho em như lời của Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TPHCM: “Việc chuyển trường thiệt thòi cho em Toàn nhưng không còn cách nào khác. Qua dư luận, tôi cảm thấy bất an khi để em Toàn trong môi trường đó…”.
Vì sao sau những hành động rất đáng khen ngợi đó, Phạm Song Toàn phải chuyển trường tránh sự “bất an”?
Điều vô lý này tưởng như khó hiểu nhưng lại cực kỳ đơn giản nếu chúng ta nhìn từ một góc độ khác, đó là bệnh thành tích. Nhìn từ khía cạnh này, sẽ thấy việc làm của em khiến cô giáo hoàn toàn có thể bị mất việc, thầy hiệu trưởng và Ban giám hiệu hoàn toàn có thể bị kỉ luật, Nhà trường và Sở GD&ĐT TP mất điểm thi đua...
Và tất cả những điều này đều được ai đó “đổ” lên đầu em, một cô gái ngây thơ và dũng cảm dù nguyên nhân không phải do em, từ em.
Song, chua chát hơn, trên mạng xã hội còn xuất hiện một số người bạn của em lên tiếng chỉ trích em về hành động đáng khen ngợi và mang lại lợi ích cho chính các bạn này.
Và đó mới là bi kịch chua chát của chân lý.
Phải chăng “Sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng” như câu mà cách đây 6 năm (6/2012), trong bài “Em biết thầy sẽ im lặng” đăng trên trang BLOG Dân trí, người viết bài này đã phải thốt lên?
Hành động phản ánh việc làm sai trái của cô giáo là đúng và hoàn toàn bình thường vì cô đã có những hành động bất thường.
Vậy điều gì đã xảy ra ở nơi khi mà cái bất thường được ủng hộ và ngược lại, điều bình thường bỗng thành bất thường nên bị kỳ thị?
Trở lại với việc em Toàn. Sau này nếu gặp bất công, liệu Toàn có đủ dũng cảm đề “liều lĩnh” đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý? Rồi các bạn Toàn và cả những người cùng thế hệ của Toàn có cho rằng đây là… “bài học cay đắng” nên đành cam chịu?
Sâu xa hơn, một xã hội sẽ là như thế nào khi mà người dũng cảm, trung thực đứng lên bảo vệ chân lý lại bị chính cộng đồng mình “kỳ thị”?
Với việc em Toàn phải chuyển trường để “giải cứu”, phải chăng đây là sự thất bại của chân lý, của lẽ phải trong một cộng đồng xã hội bất bình thường?
Bùi Hoàng Tám