Sự “thận trọng” đáng ngờ của Thanh Hóa!

(Dân trí) - Thời điểm này, Thanh Hóa đang mưa lớn. Những tấn thuốc độc này sẽ theo dòng nước chảy đi khắp nơi. Địa bàn nhiễm độc không còn chỉ là những địa phương lân cận nhà máy. Càng nghĩ, càng thấy tội ác của những kẻ chỉ vì lợi ích của một nhóm người mà nhẫn tâm đầu độc cả một cộng đồng rộng lớn với mạng sống của hàng chục vạn cư dân.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi vụ việc chôn thuốc trừ sâu của Công ty Thanh Thái bị phát hiện, đến nay, đã có hơn 2,5 tấn thuốc trừ sâu được khai quật và theo dự đoán, còn khoảng 5 tấn nữa đang nằm trong lòng đất.

Không thể nói khác, việc chôn thuốc trừ sâu của Công ty Thành Thái là một tội ác nghiêm  trọng. Đó là hành động của những người có trí thức, chuyên ngành sâu, hiểu biết tường tận hậu quả và được thực hiện có tổ chức trong một thời gian rất dài.

Tội ác này đáng ra phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can “ngay lập tức” như khẳng định của ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng ngày 17.9 vừa qua: “Theo tôi, khởi tố bắt tạm giam ngay được, sao cứ phải nói đi, nói lại mãi”.

Thế nhưng đến nay, gần 2 tháng đã trôi qua, vụ việc vẫn chỉ dừng ở mức khắc phục hậu quả và… báo cáo Chính phủ.

Vì sao lại có chuyện chậm trễ trong việc khởi tố vụ án và bị can như vậy?

Có thể không khó để khẳng định rằng đây là vụ án rất đơn giản, không hề phức tạp trong khâu phát hiện, điều tra.

Nhân dân đã bắt quả tang xe chở hóa chất. Tang chứng, vật chứng có đủ, thủ phạm cũng đã khai nhận.

Thế nên, dù lãnh đạo Thanh Hóa nhiều lần khẳng định sẽ “xử lý kiên quyết” nhưng dư luận không khỏi đặt câu hỏi không hiểu vì sao các cơ quan có thẩm quyền của Thanh Hóa lại quá… “thận trọng” đến vậy!

“Thận trọng” đến mức để “chắc chắn”, UBND Thanh Hóa vội ra Quyết định số 3253/QĐ-XPHC xử phạt đơn vị này 421 triệu đồng. Việc xử phạt tạo nghi ngại bởi về nguyên tắc pháp lý, không thể xử lý hai lần cho một hành vi vi phạm. Đã phạt hành chính rồi nên rất phức tạp nếu xử lý hình sự. Do đó, câu hỏi đặt ra là có hay không ý định hành chính hóa một vụ hình sự?

“Thận trọng” đến mức Thanh Hóa gửi văn bản báo cáo Chính phủ mà có ý kiến cho rằng mục đích phải chăng muốn “chuyền” quả bóng sang cho… Chính phủ!?

Sự “thận trọng” quá mức này khiến không thể không đặt câu hỏi liệu có “câu giờ” để dư luận xẹp xuống rồi… “hóa bùn”?

Còn nếu thiếu cơ sở pháp lý để không thể “khởi tố bắt tạm giam ngaythì xin thưa, Luật Hình sự đã ghi rất rõ trong các Điều 182. Tội gây ô nhiễm không khí; Điều 183. Tội gây ô nhiễm nguồn nước; Điều 184. Tội gây ô nhiễm đất.

Tại các Điều này đều có qui định “phạt tù từ năm năm đến mười năm”.

Những ngày qua, khi công việc khai quật đang được tiến hành, người ta càng ngạc nhiên vì một số lượng khổng lồ. Theo ông Lê Anh Tùng – Chủ tịch HĐQT Cty DTM (đơn vị được giao xử lý chất độc hại) cho biết dự tính tổng khối lượng chất thải độc hại đã được chôn xuống đất ở Cty Thanh Thái lên tới hàng ngàn tấn. Thế nhưng theo số liệu của Công Ty Thanh Thái báo cáo, chỉ có khoảng 380 hay 895kg. 

Càng nhiêm trọng hơn trong hàng ngàn tấn đó rất nhiều là hóa chất cực độc.

Xin trích một đoạn trên báo Lao Động: “Tại hiện trường hiện có 24 thùng phuy chất độc hại. Hầu hết các thùng phuy này đều đã bị tụt nắp, chất độc trực tiếp chảy ra ngoài. Phía trên là lớp nước màu dưa sền sệt, phía dưới bể là chất bột nguyên thủy của thuốc trừ sâu cực độc. Khắp không gian từ trong nhà máy tới khu dân cư bốc lên mùi hôi khủng khiếp. Chỉ có công nhân với thiết bị phòng độc hiện đại mới làm việc lâu được trong công trường”.

Thật khủng khiếp!

Thời điểm này, Thanh Hóa đang mưa lớn. Những tấn thuốc độc này sẽ theo dòng nước chảy đi khắp nơi. Địa bàn nhiễm  độc không còn chỉ là những địa phương lân cận nhà máy.

Càng nghĩ, càng thấy tội ác của những kẻ chỉ vì lợi ích của một nhóm người mà nhẫn tâm đầu độc cả một cộng đồng rộng lớn với mạng sống của hàng chục vạn cư dân.

Thế nhưng còn đáng buồn hơn là sự “thận trọng” đến đáng ngờ của lãnh đạo Thanh Hóa.

Liệu bằng “con bài thận trọng” này, vụ việc có bị chìm xuồng? Số phận của hàng vạn người dân có bị “lãng quên”?

Bởi câu hỏi đặt ra một vụ việc nghiêm trọng và rõ ràng như vậy, tại sao không “khởi tố bắt tạm giam ngay” như lời của chuyên gia, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương?

Tại sao nhỉ?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!