Sự tắc trách và những hậu quả khủng khiếp tiềm tàng

(Dân trí) - Tuần trước, thông tin về việc gần 20 ngàn viên thuốc đặc trị ung thư tại kho thuốc của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM được thanh tra khẳng định là quá hạn sử dụng vì thủ tục nhận viện trợ nhiêu khê lại gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh thâm căn cố đế ở ta: Sự tắc trách. Đã có bao nhiêu hậu quả khủng khiếp đã và còn sẽ xảy ra từ căn bệnh "di căn" này.

Sự tắc trách và những hậu quả khủng khiếp tiềm tàng - 1

20 ngàn viên thuốc quý đó đã bị vứt đi trong khi có hàng ngàn bệnh nhân ung thư vẫn đang không có mà dùng ở các bệnh viện. Theo Báo Tuổi trẻ, Thanh tra TP HCM đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt làm số thuốc trên bị quá "đát". Nhưng nếu chính cán bộ lãnh đạo, nhân viên của Sở này không tự mình chữa được căn bệnh nan y: Sự tắc trách, có lẽ những hậu quả tương tự còn kéo dài.

Nhưng không chỉ ở vụ việc trên. Trong mấy năm qua, căn bệnh có tên "tắc trách" trong xã hội Việt Nam, chứ không chỉ ở trong khối cơ quan nhà nước đã gây nên biết bao nhiêu hậu quả đau lòng.

Chúng ta đã thấy có hàng loạt vụ hoả hoạn rất lớn làm chết rất nhiều người, có nhiều vụ cháy làm chết hơn 10 người mà kỳ thực là do sự tắc trách của người quản lý, của thợ hàn. Ví dụ như vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy (Hà Nội) cuối năm 2016 đã tước đi sinh mạng của 11 người trong đó có nhiều cán bộ nguồn ở các tỉnh.

Vụ cháy ở xưởng may ở Hải Phòng trước đây làm toàn bộ 13 công nhân làm việc bên trong chết cháy cũng chỉ vì thợ hàn làm bắn tàn lửa sang vật liệu xung quanh. Hàng chục vụ tương tự về sau này phần lớn đều có nguyên nhân từ việc thợ hàn làm ẩu và chủ cơ sở không có giám sát.

Vụ việc một tàu hoả húc vào xe tải đi ngang qua đường sắt cuối tháng 3 vừa qua tại Bình Định làm chết 2 người cũng do người gác tàu đã ngủ quên không đóng gác chắn khi tàu đến cũng là biểu hiện của căn bệnh này.

Mới đây nhất, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại Gia Lai sáng sớm ngày 7/5 khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương…

Chắc khó có một thống kê nào đầy đủ về những sự việc, hậu quả lớn về kinh tế- xã hội, môi trường đã xảy ra trong nhưng năm qua do nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và cả người dân... Nhưng nhìn vào mật độ tin tức trên báo chí, mạng xã hội về những sự cố do sự chủ quan, tắc trách gây ra thì chắc chắn, nếu thống kê được, đó là một tỷ lệ lớn. Nếu xét về thiệt hại kinh tế thôi, chắc sẽ không dưới con số hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Vấn đề là, giải pháp nào, phương thuốc nào để chữa được căn bệnh tắc trách ấy để nhằm phòng ngừa những hậu quả có thể có trong tương lai? Từ giáo dục trong nhà trường, đến những quy định bắt buộc phải tuân thủ nơi công sở, nhà máy, doanh nghiệp...?.Nhất là khi yêu cầu đảm bảo an toàn nghiêm ngặt ở nhiều công trình, dự án có độ nguy hiểm cao: Các công trình dầu khí, thuỷ điện, nhiệt điện... có qui mô lớn ngày càng cao thì thái độ chủ quan, tắc trách càng không thể chấp nhận được. Khi căn bệnh "tắc trách" chưa thuyên giảm thì chỉ ở một khâu nào đó xảy ra sự cố thì hậu quả là khôn lường.

Mạnh Quân