Sự lo ngại của cử tri không phải không có lý…!

(Dân trí) - Về sâu xa, một điều rất băn khoăn là gần đây, không ít cán bộ và cả đại biểu Quốc hội có những phát ngôn “khó hiểu” khiến nhiều khi có cảm giác như các vị đó thiếu thận trọng hoặc chưa thật hiểu những gì mình nói...

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tại phiên họp Quốc hội bàn về dự thảo Luật Hộ tịch ngày 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng Dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.

Theo ĐB Nhung, có những người còn đặt tên cho con theo tên nước ngoài, tên gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lỳ; hoặc tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng, như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân…

“Đó là những vướng mắc ở cơ sở mà cán bộ hộ tịch đã cho ý kiến khi chúng tôi đi giám sát. Vì vậy, tôi đề nghị nếu luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới”. ĐB. Nhung nói.

Ý kiến của ĐB. Nhung nảy sinh ra cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và những người không ủng hộ.

Số người ủng hộ cho rằng nếu không có những qui định thì một là những cái tên dài quá sẽ khó khăn khi làm thẻ căn cước, họ khẩu, chứng minh thư. Hai là có thể sẽ xuất hiện những cái tên gây phản cảm và ba, là những cái tên “ngoại lai”, ví như nếu cả làng đặt tên Beckham, Neymar, Meccsi, Ronando...

Song số người không đồng tình thì cho rằng đó là sự áp đặt, can thiệp quá sâu vào quyền tự do cá nhân.

Về quan điểm cá nhân, trước hết mình thấy rằng ĐB. Nhung khá “mơ màng” khi dùng chữ “thuần Việt” bởi thế nào là “thuần Việt” không phải dễ trả lời và càng không phải ai cũng biết phân biệt.

Hiện, khó có thể chỉ chính xác ngôn ngữ hiện nay có bao nhiêu phần trăm là Hán - Việt nhưng chắc chắn là nhiều, rất nhiều.

Ví như ngay việc đặt tên, cụ thể hơn trong chính nhà mình có hai bà chị có tên Hán – Việt. Chị cả mình là Bùi Thị Minh Nguyệt và chị thứ ba là Bùi Thị Minh Nhật thì trong đó có đến ba từ (minh, nhật, nguyệt) đều có gốc Hán.

Thậm chí nhiều vị lãnh tụ của ta cũng có những cái tên mang nguồn gốc Hán - Việt như các vị Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt...

Mặt khác, ngôn ngữ luôn biến động (sinh ngữ). Ngày xưa, người con trai thường có tên đệm là “văn”, con gái là “thị”. Thế nhưng gần đây, ít thấy hai từ này xuất hiện hoặc có xuất hiện thì thường gắn kèm với một tên đệm tùy chọn…

Đó là chưa kể sự giao lưu giữa các dân tộc hiện nay không còn như ngày xưa. Ngày càng có nhiều người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và Luật quốc tịch Việt Nam cũng đã công nhận một người có quyền có hai quốc tịch thì việc “giao lưu, kết hợp” họ tên là điều khó tránh khỏi.

Song, về sâu xa có một điều mình rất băn khoăn là gần đây, không ít cán bộ và cả đại biểu Quốc hội có những phát ngôn “khó hiểu” khiến nhiều khi có cảm giác như các vị đó thiếu thận trọng hoặc chưa thật hiểu những gì mình nói.

Điều này khiến dư luận không chỉ nghi ngại về “quan trí” mà sâu xa hơn, nghi ngại cả những lá phiếu quyết định những vấn đề hệ trọng.

Trong khi Quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí của dân tộc, luôn quyết định những vấn đề trọng đại như Hiến pháp, Luật pháp, chiến tranh - hòa bình và những công trình, dự án lớn mà ngay sắp tới đây là việc có hay không xây dựng sân bay Long Thành.

Có lẽ không chỉ riêng mình mà chắc cũng còn nhiều cử tri không khỏi lo ngại bởi những gì đã nghe, đã thấy thì sự lo ngại không phải là không có cơ sở.

Trong khi đó, việc “có” hay “không” của mỗi lá phiếu là quyết định sự thành – bại của cả một đất nước.

Xin được gửi suy nghĩ của cá nhân mình đến các vị đại biểu!

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!