Sự hi sinh của Trung úy Tân, cái kết của Đại úy Hiền và Thượng úy Việt
(Dân trí) - Trên trang nhất báo Dân trí hôm qua (18.11) có hai thông tin liên quan đến lực lượng công an, trong đó, có một tin rất buồn. Đó là, Trung úy cảnh sát hình sự Tống Duy Tân (Cần Đước, Long An) đã hi sinh khi truy bắt tội phạm.
Theo báo Dân trí, khoảng 3h ngày 15/11, Trung úy Tân và đồng đội tuần tra trên địa bàn huyện thì phát hiện một số đối tượng trộm xe máy nên tiến hành truy đuổi. Trong quá trình truy đuổi, lực lượng tuần tra bị nhóm đối tượng chống trả quyết liệt, hất nhiều chất bột vào mặt khiến Trung úy Tân bị té và chấn thương sọ não. Ngay lập tức, Trung uý Tân được chuyển lên BV 115 (TPHCM) cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Trung uý Tân tử vong vào lúc 18h ngày 16/11.
Xin chia buồn với gia đình Trung úy Tân và cầu cho hương hồn anh về miền cực lạc. Đất nước, nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn các chị, các anh, những chiến sĩ Công an Nhân dân đã hi sinh thân mình vì sự bình yên xã hội.
Thông tin thứ hai, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội vừa ký quyết định kỷ luật buộc xuất ngũ đối với Đại úy Lê Thị Hiền, người phụ nữ “đại náo” tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Quyết định có hiệu lực kể từ ngày hôm nay” - Thiếu tướng Hải nói và cho biết, Công an TP Hà Nội thi hành quyết định này mà không cần đơn xin ra khỏi ngành của bà Hiền.
Quyết định trên cho thấy sự kiên quyết và nghiêm khắc, không dung túng, bao che sai phạm của Công an Hà Nội với cán bộ, chiến sĩ trong ngành.
Công bằng nhìn lại, nếu so với các vụ việc tiêu cực thì vụ “đại náo” của Đại úy Hiền không có tổn thất tài sản, không gây thương tích...
Thế nhưng tại sao bà Hiền đã phải nhận hình thức kỉ luật cao nhất về mặt Đảng và cũng là hình thức kỉ luật cao nhất đối với nghề nghiệp của mình? Lý do, những việc làm của bà Hiền đã làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ Công an Nhân dân và điều này là không thể chấp nhận.
Nhất là thời gian qua, có thể nói Công an là ngành tự làm trong sạch đội ngũ của mình một cách quyết liệt nhất. Cùng với việc cơ cấu lại tổ chức, bỏ cấp Tổng cục, sáp nhập một số cơ quan, đơn vị thì hàng loạt cán bộ trong đó có nhiều cán bộ cấp cao trong ngành bị kỉ luật cho thấy sự quyết liệt này.
Trở lại với vụ xử lý kỉ luật Đại úy Hiền, không thể không nói đến tiếng nói của dư luận và báo chí. Thực ra, họ không ghét bỏ gì Đại úy Hiền nhưng họ không thể chấp nhận hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân bị hoen ố.
Giờ đây, dư luận đang hướng về Thái Nguyên, nơi công tác của Thượng úy Nguyễn Xô Việt (SN 1984), cán bộ Công an Thị xã Phổ Yên. Người hành hung nhân viên bán hàng tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, Phổ Yên, Thái Nguyên) vừa qua.
Thông tin mới nhất từ Dân trí chiều qua (18.11), một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thượng uý Nguyễn Xô Việt đã viết đơn xin ra khỏi ngành và được chấp thuận. Tuy nhiên nếu ông Việt không viết đơn, Công an tỉnh Thái Nguyên cũng vẫn cho ra khỏi ngành đối với ông Việt. Trung uý Nguyễn Xô Việt đã bị buộc xuất ngũ kể từ ngày 19/11/2019.
Mong rằng từ nay, ngành Công an không còn những “con sâu” làm “cay đắng” nồi canh.
Xin một lần nữa chia buồn cùng gia đình Liệt sĩ Tống Duy Tân và cầu nguyện cho linh hồn anh nơi chín suối.
Đất nước và Nhân dân luôn ghi nhớ công ơn tất cả những người đã hi sinh thân mình vì hạnh phúc của nhân dân.
Bùi Hoàng Tám