Sự dửng dưng và thời… “loạn chuẩn”!
(Dân trí) - Một khi điều bình thường trở thành bất thường và ngược lại, điều bất thường trở thành bình thường thì không thể nói khác, đó là “loạn chuẩn”.
Trên báo Tuổi trẻ ngày 12/1 có một bài viết nhỏ kể lại câu chuyện hai bạn trẻ làm nghề thiết kế quảng cáo ở Bình Dương. Một buổi tối muộn, trên đường đi làm về, họ bắt gặp hai vợ chồng một bác lớn tuổi đẩy xe đi bộ. Nghĩ tuổi già, đêm hôm vất vả, lại có thể bị kẻ xấu lừa nên họ dừng xe lại hỏi thăm, ngỏ ý giúp đỡ. “Bác này nói xe bị hết xăng, rồi bất ngờ la toáng lên: “Bớ người ta ăn cướp... cướp...”, làm chúng tôi hoảng kinh hồn vía! Anh bạn đi cùng thấy vậy xui “thôi bỏ mặc kệ, không khéo lại làm ơn mắc oán”!”. Bạn đó kể.
Tuy nhiên, dù bị xúc phạm, lòng nổi lên cơn tự ái, lại vừa mệt, vừa đói nhưng bỏ đi không đành vì biết rõ đoạn đường còn khá xa mới ra đến quốc lộ, hai bạn đã cố kìm nén, đi tìm vỏ chai nhựa, tháo ống xăng và rút một chai xăng rồi gọi bác này lại.
Khi nghe tôi gọi, bác này mới từ từ lại gần cầm chai xăng rồi hỏi lại tôi: “Chú cho tui xăng thiệt hả? Hổng lẽ thời giờ còn có người tốt thiệt vậy hả?”.
Đây là câu chuyện vô lý nhưng không hiếm, thậm chí xảy ra hàng ngày.
Vì sao lại có chuyện vô lý như vậy?
Ở đây có mấy nguyên nhân.
Thứ nhất, đúng là đã có không ít tình huống lợi dụng người khác gặp khó khăn để lừa đảo, cướp đoạt tài sản. Hình ảnh hàng trăm người “hôi bia” ngày nào ở Bình Dương vẫn là nỗi xấu hổ khôn nguôi.
Song, điều thứ hai nghiêm trọng hơn, đó là lòng người đã không còn niềm tin. Việc hai thanh giúp đỡ người già trong đêm khuyua khoắt hoàn toàn có thể coi là bình thường bởi đó là đạo lý tất yếu của mỗi con người trong xã hội văn minh. Thế nhưng nó đã trở thành “bất thường”, không thể tin vì điều đó không hoặc hiếm, rất hiếm khi xảy ra. Họ không tin lại có lòng tốt ở cuộc đời này mà cụ thể ở đây, hành động kêu “cướp” của vợ chồng hai bác xe bị hết xăng kia là bỏi không tin lại có người tốt với họ như thế.
Song thực ra việc giúp đỡ nhau trong cuộc sống là điều bình thường trong một xã hội bình thường. Nhất là với dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa luôn được giáo dục trong tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.
Công bằng mà nói, lòng hảo tâm, tinh thần tương thân tương ái trong xã hội ta còn rất nhiều. Mỗi khi một địa phương nào đó gặp thiên tai, một cá nhân nào đó gặp điều không may mắn đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của cộng đồng, xã hội.
Thế nhưng cũng không ít trường hợp lòng người dửng dưng trước nỗi đau của người khác, thậm chí lợi dụng khi họ gặp tai nạn để ăn trộm, ăn cướp nên điều bình thường ở đây biến thành chuyện bất thường.
Và đó là nỗi đau khi đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng như lời của ĐB Dương Trung Quốc là “văn hóa đã… chạm ngưỡng”.
Cách đây không lâu, gia đình một bác sĩ Mộc Hóa (Long An) lao ô tô xuống ao. Người dân nghe thấy tiếng giẫy giụa, không biết phải làm thế nào, bèn chặn đường mấy chiếc xe khách để yêu cầu cứu giúp. Nhưng tiếc thay, tất cả các xe đó đều bỏ đi.
Đã có nhiều ý kiến đòi truy tố những tài xế kia là vô lương tâm, thấy người hoạn nạn không cứu giúp.
Song, cũng không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi rằng đêm hôm khuya khoắt thế, có một đám người chặn xe thì liệu có ai dám nghĩ không phải là “cướp” mà dừng xe lại?
Mới đây thôi, em học sinh lớp 12 Đỗ Quang Thiện ở TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk vì cứu giúp một cụ già bị đột quị đã bị tạm giam 52 ngày và biết bao công sức của gia đình cộng với kết quả xét nghiệm của pháp y nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông cụ là do bệnh lý thì Thiện mới được minh oan.
Trân trọng làm sao, khi hỏi nếu như gặp lại trường hợp như thế, em sẽ hành động như thế nào? thì nhận được câu trả lời hồn hậu: “Em sẽ vẫn đưa ông cụ vào viện”.
Trong xã hội Việt Nam hôm nay, lòng tốt, sự nhân hậu còn nhiều và rất nhiều. Song nếu như lòng tốt bị nghi ngờ, tức là điều bình thường trở thành bất thường và ngược lại thì phải chăng là sự “loạn chuẩn”.
Bùi Hoàng Tám