Sự dối trá đã “sổ toẹt” bản kiến nghị không đặt tên đường của các vị
(Dân trí) - Làm thầy, cần phải trung thực. Làm lịch sử càng cần phải trung thực. Chỉ qua một chi tiết này, nó đã “sổ toẹt” cái bản kiến nghị dù nó có là chân lý bởi “một sự bất tín...”.
Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh đề nghị TP Đà Nẵng không đặt tên đường hai giáo sĩ Francisco De Pina - Alexandre de Rhodes của một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa do PGS-TS Lê Cung khởi xướng. Ngay lập tức, kiến nghị trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Phía Đà Nẵng cũng tạm dừng việc đặt tên này.
Đọc các ý kiến đồng tình và phản bác việc đặt tên, có cảm giác cuộc tranh luận rất khó đi đến hồi kết bởi mỗi bên đều có cái lý của mình. Trong khi, những tư liệu lịch sử để lại lại rất hạn chế và nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau. Vì thế, theo người viết bài này, để trả lời câu hỏi nên hay không đặt tên đường Francisco De Pina - Alexandre de Rhodes cần trả lời mấy ý sau đây.
Trước hết, việc đặt tên đường cho tác giả của chữ quốc ngữ là cần thiết vì một dân tộc theo tôi được định hình bởi ít nhất ba yếu tố cốt lõi. Đó là lãnh địa, ngôn ngữ và chữ viết.
Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, tuy đã từng có chữ Nôm, song công bằng, nó đã không thành công và như vậy, trước khi có chữ quốc ngữ, người Việt chưa có chữ viết.
Thứ hai, vậy đặt tên ai hay ai là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ cho người Việt hôm nay? Có nhiều tư liệu (tất nhiên là các giáo sĩ phương Tây) trong đó không thể không kể đến Alexandre de Rhodes. Vì thế, tuy lấy tên ông thực chất là ghi nhận công sức của nhiều thế hệ cả người Việt Nam và người nước ngoài đã cống hiến cho chúng ta có được chữ Quốc ngữ phong phú như hôm nay.
Thứ ba, ai cần việc đặt tên này hay đặt tên đó để làm gì?
Xin nói thẳng, người cần việc đặt tên này là chúng ta chứ không phải ông Alexandre de Rhodes nào đó ở tận đẩu đâu, đã mất cách đây mấy trăm năm.
Vì sao chúng ta cần việc đặt tên này? Đó là bởi truyền thống dân tộc “Uống nước, nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và cũng là để giáo dục cho con cháu chúng ta truyền thống đó. Để mỗi chúng ta mỗi khi ngồi trước bàn phím hay trang giấy gõ những ký tự ABCD… không cảm thấy áy náy vì mình không biết tri ân.
Câu hỏi thứ tư, đó là lai lịch ông Alexandre de Rhodes.
Việc này, tôi không chứng minh mà chỉ kể lại câu chuyện có thật tại TP Thái Bình. Đây là nơi có tên đường phố của hai người khi còn sống là kẻ tử thù của nhau, mỗi bên một chiến tuyến: Ông Phan Ba Vành và ông Nguyễn Công Trứ.
Ông Trứ đã đem quân từ kinh đô Huế ra đánh tan cuộc nổi dậy và bắt sống Phan Ba Vành khiến ông Phan Ba Vành phải tự tử.
Tại sao tại Thái Bình lại có tên đường cả 2 ông? Lý do, có lẽ người Thái Bình ghi công ơn Phan Ba Vành bởi ông là người đứng lên chống lại cường quyền.
Còn Nguyễn Công Trứ, người Thái Bình ghi nhớ công ơn quai đê, lấn biển lập nên huyện Tiền Hải ngày nay.
Tại Hà Nội và Hà Tĩnh cũng có đường Nguyễn Công Trứ. Theo người viết bài này thì Hà Nội đặt tên ông bởi ông là Nhà thơ và danh nhân văn hóa. Còn tại Hà Tĩnh, có lẽ bởi ông là người con của quê hương…
Nói như vậy để thấy, việc đặt tên là do những cách nhìn nhận và đánh giá ở từng góc khác nhau. Vì thế, việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes là để ghi nhớ công lao của những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ mà ông là một trong những người tiêu biểu.
Tóm lại, tôi cho rằng việc Đà Nẵng đặt tên đường Alexandre de Rhodes dù không mới (TP HCM đã có từ lâu rồi) nhưng rất nên làm.
Với các vị phản đối, tôi tôn trọng quan điểm của họ (cũng như tôi mong họ tôn trọng quan điểm của tôi). Song có một điều tôi cực lực phản đối, đó là việc ghi khống tên của một số nhà khoa học như các vị: PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, PGS-TS Trương Công Huỳnh Kỳ, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế...
Trả lời báo chí, các vị này đều khẳng định họ không ký vào bản kiến nghị vì không tham gia thảo luận nội dung và đã gọi điện thoại tới lãnh đạo Đà Nẵng để thông báo.
Theo tôi, nếu còn đủ dũng cảm và lòng tự trọng, các vị nên hoặc rút hẳn đơn hoặc xin rút lại đơn để chỉnh sửa, bỏ tên những ai bị ghi khống và chân thành xin lỗi họ.
Làm thầy, cần phải trung thực. Làm lịch sử càng cần phải trung thực. Chỉ qua một chi tiết này, nó đã “sổ toẹt” cái bản kiến nghị dù nó có là chân lý bởi “một sự bất tín...”.
Bùi Hoàng Tám