Sự cố hay cố… sự?

(Dân trí) - Sự kiện quan trọng nhất trong một năm của một lĩnh vực nghề nghiệp, do chính tổ chức nghề nghiệp cao nhất của nó đứng ra thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia mà lại để hàng loạt sự cố, những “hạt sạn” khó chấp nhận như Giải thưởng Cánh diều 2016 vừa qua gây dư luận trong giới cũng như công chúng, quả là điều đáng ngạc nhiên.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mời nghệ sĩ từ nước ngoài về để nhận giải, nhận sự tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của họ nhưng khi họ lên sân khấu nhận thì lại thiếu cúp để trao! MC đang công bố đề cử giải thưởng ở hạng mục này thì màn hình tivi lại phát đề cử ở hạng mục phim khác. Một sự kiện được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia ở kênh quan trọng nhất mà trong suốt sự kiện, micro của MC liên tục bị trục trặc và buổi lễ đang diễn ra thì bị mất điện gần 10 phút.

Chưa hết, khi chương trình vẫn còn phần biểu diễn của ca sĩ, MC đã đọc lời tổng kết làm những người tham dự lục đục ra về vì tưởng chương trình kết thúc gây nên cảnh lộn xộn. Kết thúc buổi lễ một trong số những người được tặng bằng khen đã tìm ban tổ chức để trả lại.

Còn nhiều chi tiết diễn ra phía sau hậu trường được MC của sự kiện tiết lộ: trước giờ diễn ra chương trình, MC chỉ có trên tay kịch bản “chay”, không có cả tên các nghệ sĩ cũng như tác phẩm được đề cử; Danh sách người lên tham gia sự kiện trực tiếp liên tục bị thay đổi vì lý do đến trễ…

Những sai sót vừa hài hước vừa phi lý như vậy nếu diễn ra ở một sự kiện ở tầm địa phương, cơ sở đã khó có thể tin và bỏ qua được. Huống hồ, đây là một sự kiện truyền thông ở tầm quốc gia, do những người hoạt động chuyên nghiệp hàng đầu tổ chức. Rõ ràng tính chuyên nghiệp dường như đang là một đòi hỏi quá sức đối với nhiều lĩnh vực hoạt động của chúng ta hiện nay.

Còn nhớ cách đây vài tháng, một sự kiện văn hóa lớn tầm quốc gia là Ngày Thơ Việt Nam 2007 diễn ra ngay tại Văn miếu Quốc Tử Giám cũng xảy ra những sự cố rất khó tin. “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tác phẩm và chú thích thì của tác giả này nhưng ảnh lại là chân dung một tác giả khác. Thậm chí tác phẩm và chú thích là về một tác giả nhưng ảnh chân dung thì lại là của một đại thần của một vương triều. Chưa kể chuyện trích dẫn sai, chú thích sai, sai cả lỗi chính tả v.v.

Sự việc cấm rồi bỏ, bỏ rồi cấm mấy tác phẩm âm nhạc đang gây xôn xao dư luận cũng vậy. Cấm thiếu cơ sở, thiếu minh bạch dẫn đến thiếu thuyết phục để đến khi bị dư luận phản ứng thì lại quay lại vội vàng gỡ bỏ, giải thích, đổ lỗi vòng vo rối rắm. Chung quy cũng chỉ vì nhận thức hời hợt, giáo điều và hành động thiếu tính “chuyên nghiệp”.

Tính chuyên nghiệp chẳng phải là cái gì xa lạ, ghê gớm, nó đơn giản chỉ là một kiến thức nghề nghiệp thấu đáo, một tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm và một phong cách làm việc nhất quán, chính xác, đồng bộ, là sự nhanh nhạy, khoa học. Nó được thể hiện ngay trong từng công việc nhỏ nhất. Nó là sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình.

Đã muộn để nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp, những chuẩn mực trong nghề nghiệp, trong một xã hội hiện đại. Nhưng muộn còn hơn không khi chúng ta vẫn thường xuyên phải chứng kiến sự thiếu chuyên nghiệp không chỉ trong các hoạt động nghề nghiệp mà cả trong các hoạt động quản lý và không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả cấp quốc gia.

Sự cố là những điều gì đó bất thường, không thể lường được trước khi nó diễn ra. Còn những điều xảy ra như một hậu quả tất yếu (ở đây là hậu quả của sự cẩu thả, tùy tiện, thiếu khoa học...) khi ta cố tình khinh suất thì phải gọi đó là cố… sự!

Cát Thụy