Sự bất công từ trong… “trứng nước”!
(Dân trí) - Lương giám đốc hàng tỉ đồng, lương công nhân năm bảy chục triệu/năm. Học phí của học sinh chất lượng cao ngoài công lập 300 triệu đồng/năm và chi phí cho những học sinh miền núi vài ba triệu đồng/năm là những nghịch cảnh đau lòng trong công cuộc xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”...
Thế nhưng nhìn về mặt logic thì đó là sự tất yếu.
Nói tất yếu bởi thu nhập của vị giám đốc gấp cả ngàn lần thu nhập của một người nông dân dân tộc thiểu số thì con một “Mr2,6 tỉ” học trường 300 triệu và con một nông dân miền núi thu nhập vài triệu đồng/ năm ăn cơm với lá rừng là chuyện đương nhiên.
Thế nhưng nó chỉ không “đương nhiên” là ở chỗ chúng ta đang thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thì cái khoảng cách ấy hình như đang bị nới rộng. Và điều đó cũng có nghĩa là chủ trương xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” đang gặp rất nhiều khó khăn.
Công bằng sao đây khi một vị giám đốc ở thành phố lương bằng cả ngàn lần thu nhập của một người dân miền núi?
Văn minh sao đây khi có những vị lãnh đạo bằng quyền lực của mình đè hầu, bóp cổ, bóc lột người lao động dưới quyền?
Và công bằng, văn mình sao đây khi cùng là những đứa trẻ, em thì sống sung sướng trong nhung lụa, với mức học phí bằng tổng thu nhập cả gia đình hàng chục năm trời của một em học sinh đi bộ hàng chục cây số đến trường để rồi mỗi bữa ngậm ngùi ăn cơm với lá rừng?
Không có công bằng thì làm sao có sự văn minh dù là “văn minh tối thiểu”?
Gần đây, Hà Nội còn đề xuất xây dựng trường chất lượng cao cho học sinh Thủ đô.
Việc xây dựng trường chất lượng cao là tốt nhưng trước hết, nó phải đảm bảo sự “công bằng, văn minh” theo mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu. Thậm chí, đáng lẽ phải nâng đỡ con em nhà nghèo học giỏi để các em có điều kiện vươn lên giảm nghèo.
Trong khi đó, dự án của Hà Nội lại nhằm vào đối tượng là những học sinh con nhà giàu học… không cần giỏi. Điều này khiến GS. TSKH Hoàng Xuân Sính, một nhà giáo dục uy tín đã phải thốt lên: "Không được phép lấy tiền thuế để phục vụ người giàu".
Còn GS Nguyễn Tiến Dũng, hiện đang giảng dạy tại ĐH Toulouse (Pháp) trong bài gửi về cho Dân trí đầy băn khoăn, lo ngại: “Các học sinh con nhà nghèo ở trong khu vực của các trường này sẽ bị đuổi ra khỏi trường, thay vào đó là các học sinh bình thường con nhà giàu sẽ được vào”.
Xây dựng một xã hội “công bằng, văn minh” không chỉ ở ngoài xã hội mà phải ngay từ trong nhà trường.
Khi sự bất công xuất hiện trên ghế nhà trường, tức là từ “trứng nước” thì công cuộc xây dựng một xã hội “công bằng, văn minh” xem ra còn xa vời vợi!
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!