“Sống chung với mẹ chồng”, “Kêu cứu” & hấp dẫn, "đông view"
(Dân trí) - Bộ phim truyền hình dài tập “Sống chung với mẹ chồng” đang trở thành sự kiện bởi tính hấp dẫn của nó. Có lẽ lâu lắm rồi, mới có bộ phim khiến người ta quan tâm với nhiều ý kiến khen chê khác nhau đến như vậy.
Chợt nhớ lại cách đây mấy chục năm, khi bộ phim “Đơn giản tôi là Maria” được Đài truyền hình Việt Nam trình chiếu đã thu hút bạn đọc một cách ghê gớm. Nhiều người mong ước đến bao giờ Việt Nam mới sản xuất được bộ phim hay, hấp dẫn như thế.
Thế nhưng giờ đây, khi được chiếu lại trên VTV1 cùng thời điểm, thế hệ trẻ Việt Nam lại tỏ ra thờ ơ, ít quan tâm hơn rất nhiều so với “Sống chung với mẹ chồng”. Tất nhiên, mỗi trường hợp có những lý do của nó. Song, không thể phủ nhận sự tiến bộ của những nhà làm phim truyền hình dài tập mang tính giải trí của Việt Nam.
Vì sao “Sống chung với mẹ chồng” lại được quan tâm như vậy? Lý do thì nhiều, song không thể phủ nhận công sức của đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim, đạo cụ… bởi đây là đề tài không mới hay nói cách khác, họ đã làm hấp dẫnvề một đề tài đã cũ.
Cách đây 65 năm (1952), Nghệ sỹ Nhân dân Đào Mộng Long đã cho ra mắt một vở kịch nổi tiếng cũng về đề tài này mang tên “Kêu cứu”.
Nói thẳng, “Sống chung với mẹ chồng” (dù so sánh là khập khiễng) cũng không thể sánh với “Kêu cứu”. Lý do, “Kêu cứu” là tiếng thét bi ai chống lại “hủ tục” mẹ chồng, nàng dâu còn “Sống chung với mẹ chồng” mang nhiều hơn ở tính giải trí với nhiều chi tiết cường điệu.
Không khó để dự đoán, kết thúc phim sẽ là cảnh “cả nhà ta đều thương yêu nhau” sau một sự kiện gì đó.
Thật ra, những gì trong “Sống chung với mẹ chồng” ít tính hiện thực mà nhiều tính “văn chương” bởi trong xã hội hiện nay, rất hiếm, thậm chí là ở nhiều gia đình không tồn tại khái niệm “mẹ chồng – nàng dâu”.
Lý do thứ nhất, thân phận “nàng dâu” thời nay đã khác xưa rất nhiều bởi họ độc lập về mọi phương diện. Nếu như người phụ nữ ngày xưa, khi lấy chồng là “tam tòng” (ở nhà theo bố mẹ, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) thì giờ đây, họ hoàn toàn độc lập, thậm chí có quyền đơn phương ly hôn. Về kinh tế, họ có điều kiện để hoàn toàn tự chủ. Họ có tri thức để bảo vệ mình.
Mặt khác, trình độ nhận thức của cả hai phía: Mẹ chồng và nàng dâu giờ đây đều được nâng lên rất nhiều. Điều này khiến họ hành xử nhân văn hơn và cũng “khôn ngoan” hơn, “tính toán” hơn. Người con dâu hiểu rằng “chiều” mẹ chồng không chỉ là trách nhiệm mang tính bổn phận mà còn là cách tốt nhất, có lợi nhất cho mình. Về phía mẹ chồng, các bà cũng thừa hiểu rằng đó là cách khôn ngoan và… có lợi!
Còn một lý do nữa là hiện nay, mỗi cặp vợ chồng thường chỉ có 2 người con nên các mẹ chồng rất quí con dâu và ngược lại. Vả lại, do có trình độ nhận thức nên cả hai đều hiểu rằng sự mâu thuẫn chỉ khiến cho người mà họ cùng yêu thương (con trai – chồng) đau khổ.
Nói như thế không có nghĩa là “chê” tính hiện thực của bộ phim bởi như một Nhà phê bình văn học cổ đại từngnói, đại để “Nghệ thuật phải thật hơn sự thật”.Hơn nữa, như đã nói ở trên, đây chỉ là bộ phim truyền hình mang tính giải trí là chủ yếu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều và rất nhiều điều cần góp ý như sự cường điệu quá mức, thậm chí còn cho rằng phản tác dụng giáo dục... song cũng xin chúc mừng nhóm làm phim đã có một món ăn “hấp dẫn”, “đông view”...
Bùi Hoàng Tám