Sợi dây kinh nghiệm dài quá, rút mãi… rút mãi..!
(Dân trí) - Theo thông tin đăng tải trên Dân trí ngày 3/6/2020, vụ Giám đốc công ty lâm nghiệp lấn chiếm đất rừng tại Quảng Trị đến nay đã được kiểm tra làm rõ và xử lý kỷ luật.
Thông cáo của Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy và ông Nguyễn Hồng Thái- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quản lý và sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền quản lý.
Kết luận của Uỷ ban nêu rõ, ông Nguyễn Hồng Thái chịu trách nhiệm với những hạn chế, khuyết điểm của Đảng ủy trong nhiệm kỳ 2015- 2020. Việc mở rộng diện tích đất lâm nghiệp so với diện tích mượn ban đầu để làm kinh tế trang trại và trồng thử nghiệm cây cao su là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003 đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, do có “tình tiết giảm nhẹ” nên UBKT Tỉnh ủy đã thống nhất không xem xét, xử lý kỷ luật, song yêu cầu ông Nguyễn Hồng Thái phải kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với trách nhiệm là người đứng đầu công ty.
Có hai tình tiết “giảm nhẹ” ở đây: Một là, ông Thái đã trung thực, thành khẩn và cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra, đã trả lại đất cho công ty trước khi có chủ trương thu hồi đất.
Hai là, vi phạm của ông Thái lần đầu và có nguyên nhân khách quan, hiện đã khắc phục hậu quả.
Bản thân người viết và có lẽ nhiều độc giả cũng sẽ đồng tình với việc cần ghi nhận sự hợp tác của ông Nguyễn Hồng Thái trong việc khắc phục hậu quả ở đây. Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói, việc trả lại đất cho công ty là điều đương nhiên phải làm!
Hơn nữa, tuy rằng ông Thái trả đất trước khi có chủ trương thu hồi đất nhưng là sau khi bị người dân phản ánh về việc lấn chiếm đất rừng để làm trang trại.
Lật lại những phản ánh của phóng viên Dân trí trước đó, Công ty lâm nghiệp Đường 9 được Nhà nước giao quản lý và sử dụng hơn 7.000ha rừng và đất rừng, ở khu vực phía Tây của huyện Gio Linh và huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Vào năm 2016, công ty này thực hiện rà soát, đã phát hiện tới gần 1.000ha đất rừng bị lấn chiếm, chủ yếu trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Là Giám đốc của công ty nhưng ông Thái lại cũng nằm trong diện những người lấn chiếm đất rừng với “diện tích không nhỏ”. Vấn đề là theo giải thích của Công ty lâm nghiệp Đường 9, những người lấn chiếm là những người dân địa phương và một số công nhân của công ty này.
Tình cảnh này quả đúng như cầu nói truyền miệng trong dân gian: “Thượng bất chính…”! Người đứng đầu đơn vị còn vi phạm, nói gì đến việc nêu gương cho cấp dưới.
Với tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp cũng lấn chiếm đất rừng được Nhà nước giao, thử hỏi, làm sao người dân có thể chấp nhận? Việc ông Thái trả đất có thể coi là “tình tiết giảm nhẹ”, song những hành vi không đúng đắn của một lãnh đạo như ông này đã làm, rõ ràng đã khiến niềm tin của người dân bị sứt mẻ.
Bên cạnh đó, người viết cũng thắc mắc rằng, những hệ luỵ từ việc lấn chiếm đất rừng hiện đã được giải quyết dứt điểm hay chưa? Đất rừng Nhà nước giao liệu đã được thu hồi về đầy đủ?
Chính bởi vậy, mặc dù UBKT Tỉnh uỷ Quảng Trị không xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Hồng Thái, nhưng người viết hi vọng, bản thân ông Thái sẽ không coi đây như một sự “xuê xoa cho qua”, thở phào vui mừng vì “thoát án”.
Cũng mong những trường hợp tương tự không xem đây là “án lệ” và cho rằng “cùng lắm là… rút kinh nghiệm”.
Sợi dây kinh nghiệm dài lắm rồi, thưa các vị!
Bích Diệp