Số phận gần 3 triệu người đồng tính Việt Nam sẽ ra sao?
(Dân trí) - Vấn đề hôn nhân đồng giới làm nóng Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận về sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình năm 2000. Theo đó trong lĩnh vực hôn nhân, có hai phương án đang gây tranh cãi khá căng thẳng: Có công nhận hôn nhân đồng giới hay không?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tại Điều 10, Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 qui định 5 trường hợp bị cấm là kết hôn: 1- Người đang có vợ hoặc có chồng; 2 - Người mất năng lực hành vi dân sự; 3 - Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; 4 - Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; 5 - Giữa những người cùng giới tính.
Qui định cấm người cùng giới tính kết hôn ra đời tại thời điểm vấn đề này còn rất tế nhị, ít người dám công khai thừa nhận là người đồng tính và hiện tượng ăn ở với nhau như vợ chồng của những người này cũng rất ít được công khai.
Tuy nhiên hiện nay, tình trạng công khai giới tính thực của mình đang trở nên khá phổ biến và đã cho thấy tại Việt Nam, con số người đồng tính cũng không phải là ít.
Theo báo cáo khoa học từ tổ chức WHO của Liên hợp quốc, khoảng 3% dân số có thiên hướng đồng tính. Nếu như tỉ lệ này áp dụng ở Việt Nam thì cả nước có khoảng hơn 2,5 triệu người đồng tính. Vì vậy, việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của hàng triệu người này là bài toán cần có lời giải thỏa đáng.
Hiện nay đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau.
Nhóm ý kiến không cấm (tức là cho phép) người cùng giới tính kết hôn (tán thành với đề xuất của Bộ Tư pháp) cho rằng việc bỏ ý này trong Điều 10 của Luật hiện hành thể hiện tính nhân văn của pháp luật, đảm bảo quyền con người, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đồng thời có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý.
Về khoa học, đồng tính là một biến thể tự nhiên của tình dục loài người và không phải là nguyên nhân dẫn tới những yếu tố tâm lý tiêu cực. Mặt khác trên thực tế, tình trạng sống chung như vợ chồng của những cặp đồng tính rất khó kiểm soát và hiện đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng.
Nhóm ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (tức là cấm) cho rằng hiện tượng này không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam và quy luật sinh học cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống; không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.
Trên thế giới, theo con số thống kê từ 207 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2012, có 11 quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng tính, 21 quốc gia khác chấp nhận đồng tính chung sống dưới hình thức kết hợp dân sự, có trên 80 nước xem đồng tính là tội phạm ở các mức độ khác nhau. Trong đó 5 nước là Iran, Mauritania, Ả Rập Saudi, Sudan và Yemen, một phần của Nigeria, Gambia và Somalia có hình phạt tử hình dành cho tội danh này.
Tại châu Á hiện chưa có quốc gia nào chấp nhận hôn nhân hoặc kết hợp dân sự đồng tính.
Vậy theo các bạn ở nước ta có hay không chấp nhận hôn nhân đồng giới hay nói cách khác, số phận của gần 3 triệu người đồng tính Việt Nam rồi sẽ được quyết định theo phương án nào?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!